header image
Like us on Facebook Follow us on Twitter RSS feeds

Description: Description: D:\Dropbox\Dropbox\Theosophy_htm\Thong thien hoc khai luoc_files\image001.gif

 

C.W. Leadbeater

Dịch Giả: CAO THỊ LAN

 

THÔNG THIÊN HỌC KHÁI LƯỢC

(AN OUTLINE OF THEOSOPHY) 

 

HỘI THÔNG THIÊN HỌC CÓ BA MỤC ĐÍCH.

MỤC LỤC

CHƯƠNG 1 THÔNG-THIÊN-HỌC LÀ GÌ?

NGƯỜI TA BIẾT ÐIỀU ÐÓ CÁCH NÀO?

PHƯƠNG-PHÁP CHIÊM-NGHIỆM

CHƯƠNG 2 NHỮNG NGUYÊN-LÝ ÐẠI-CƯƠNG

BA CHÂN LÝ TRỌNG ÐẠI

QUY- KẾT TẤT NHIÊN

HIỂU BIẾT NHƯ VẬY, TA ÐƯỢC ÍCH LỢI GÌ?

CHƯƠNG 3 THƯỢNG-ÐẾ

THIÊN-CƠ

MỘT BÀI HỌC CỦA ÐỜI SỐNG

CHƯƠNG 4 BẢN THỂ CON NGƯỜI

CON NGƯỜI THIỆT THỌ

CHƯƠNG 5 LUÂN HỒI

CHƯƠNG 6 MỘT QUAN-NIỆM MỚI MẺ VỀ BẢN THỂ CON NGƯỜI

CHƯƠNG 7 SỰ CHẾT

CHƯƠNG 8 DĨ-VÃNG VÀ TƯƠNG-LAI CON NGƯỜI

CHƯƠNG 9 NHÂN VÀ QUẢ

CHƯƠNG 10 NHỮNG ÍCH LỢI CỦA THÔNG-THIÊN-HỌC

CHÂN THÀNH TRI ÂN

 

 


 

CHƯƠNG 1
THÔNG-THIÊN-HỌC LÀ GÌ?

Ðã bao nhiêu thế kỷ, người ta đã tranh luận, dẫn chứng, tìm tòi rất nhiều về một vài Chơn-Lý trọng đại, như sự hiện tồn của Thượng-Ðế, và bản thể của Ngài, sự liên quan của Ngài với nhân loại, cùng dĩ vãng và tương lai của nhân-loại nầy. Về những điểm trên, người ta có những tín niệm rất khác nhau, rồi bắt đầu công-kích và nhạo báng những tín ngưỡng của nhau một cách chua chát và dữ dội, đến nỗi sau cùng, trong đám dư-luận quần-chúng có một luồng tư-tưởng thiệt đơn-giản là: Về những vấn-đề nầy, người ta không thể biết được một điều gì chắc chắn, tất cả chỉ là những lý-thuyết mơ hồ, những lý-luận mông lung, thỉnh thoảng lại phát sinh ra một suy luận thất thiệt căn cứ ở những tiền đề không vững vàng. Để chống lại với luồng dư-luận ấy của quần-chúng, những xác ngôn rõ ràng, minh-bạch, nhưng thường thường khó tin của các Tôn-Giáo không làm sao đoạt ưu thắng được.

Chúng tôi phải nói quả quyết rằng dư-luận quần-chúng mà ta biết rõ căn-nguyên, là hoàn-toàn sai lầm. Có những sự thật rõ ràng và chắc chắn. Có nhiều sự thật như vậy. Thông-Thiên-Học trình bày cho ta những sự thật đó; nhưng khác hẳn với những Tôn-Giáo, Thông-Thiên-Học trình bày những Chơn-Lý nầy như là những đề tài để nghiên-cứu, chớ không phải như những Tín-Điều. Thông-Thiên-Học chính nó không phải là một Tôn-Giáo. Ðối với các Tôn-Giáo, Thông-Thiên-Học có cái vị-trí tương-tự như vị trí của những Triết-Lý Cổ-Kính. Thông-Thiên-Học không phản-đối Tôn-Giáo, Thông-Thiên-Học chỉ giảng-lý Tôn-Giáo. Những điều mà Tôn-Giáo nầy hay Tôn-Giáo khác đề cao một cách phi-lý, khó tin, Thông-Thiên-Học đều loại bỏ, coi như không hợp với sự Minh Triết, xúc phạm tới Thần Minh, đi nghịch lại Thần Minh, nhưng những điều hữu-lý nhiều hay ít đều được Thông-Thiên-Học thu thập, giảng-lý đầy đủ chi tiết, Thông Thiên Học gom những Chơn-Lý riêng biệt thành một đại thể điều-hòa.

Thông-Thiên-Học quả quyết rằng về tất cả những vấn-đề trọng-hệ, người ta có thể biết được sự thật. Thật ra, Thông-Thiên-Học được biết rằng có Một Đoàn Thể Vĩ Nhân hiện còn sống và hướng dẫn Nhân Loại. Thông-Thiên-Học coi tất cả những Tôn-Giáo, dù khác biệt nhau đến đâu ở bề ngoài, cũng chỉ là sự biểu lộ của những Chơn-Lý giống nhau, những Chơn-Lý đó đã được nhìn xét từ những quan-điểm và dưới những phương-diện khác nhau, vì mặc dầu những ngữ vựng khác biệt và những Tín-Điều có khác biệt nhau, tất cả những Tôn-Giáo đều đồng ý về những vấn-đề thật là quan-hệ, thí dụ như đời sống gương mẫu của một người lương-thiện, những tính tốt Y phải trau giồi, những tật xấu Y phải xa lánh. Về những điểm có tính cách thực-hành nầy, các bạn hãy khảo-cứu Ấn-Độ Giáo hay Phật-Giáo, Hỏa-Giáo hay Hồi-Giáo, Do-Thái Giáo hay Cơ-Ðốc Giáo, và các bạn sẽ thấy rằng các Tôn-Giáo nầy đều có những lời dạy dỗ giống hệt nhau.

Ðối với ai chưa từng biết Thông-Thiên-Học, ta có thể trình bày nó như một giả-thuyết thông thái về sự tạo-lập Vũ-Trụ. Ðối với những người đã nghiên-cứu nó rồi, Thông-Thiên-Học không phải chỉ là lý-thuyết suông, mà chính là sự phô-diễn những sự thật hiển hiện. Ðó là một Khoa-Học minh-bạch mà người ta có thể khảo-cứu sâu xa như bất cứ Khoa-Học nào khác, và những điều mà Thông-Thiên-Học chủ trương đều có thể đem ra thực-nghiệm, và kiểm-soát lại, nếu ta chịu khó uốn nắn theo những điều-kiện cần-thiết. Thông-Thiên-Học là sự xác-định những hiện-tượng lớn lao trong Vũ-Trụ, là sự giải nghĩa những điều mà Khoa-Học đã biết, sau cùng Thông-Thiên-Học là sự mô tả rõ ràng khu vực của Thế-Giới mà chúng ta đang ở.

NGƯỜI TA BIẾT ÐIỀU ÐÓ CÁCH NÀO?

Khu-vực của thế-giới mà ta đang ở đây, ta biết rõ được lược đồ của nó cách nào? Có lẽ người ta sẽ hỏi rằng: Ai đã khám phá ra nó? Chúng tôi không thể nói được rằng lược đồ đã được khám phá, vì thật vậy, nhân-loại đã biết nó từ ngàn xưa, tuy rằng có những thời-kỳ sự hiểu biết nầy bỗng dưng biến mất đi ở một vài điểm của Địa-Cầu. Luôn luôn bao giờ cũng có một Đoàn-Thể tiến hóa rất cao, những Vĩ Nhân nầy không phải chỉ thuộc về một quốc-gia, mà của tất cả mọi quốc-gia văn-minh, Những Người Nầy đã am hiểu tinh tường Chơn-Lý. Luôn luôn Các Ngài có những Đệ-Tử nghiên-cứu tường tận Chơn-Lý dưới quyền điều-khiển của Các Ngài. Còn những Nguyên-Lý đại-cương thì được phổ-biến cho Nhân Loại. Hiện giờ cũng như ngày xưa, Nhóm Người tiến-hóa rất cao ấy vẫn còn tồn tại, và do theo mạng lịnh của Các Ngài, Giáo-Lý Thông-Thiên-Học được ban rải cho thế-giới Tây-Phương qua sự trung-gian của vài Đệ Tử.

Một đôi khi những ai không thông thạo về vấn-đề nầy đã phản-đối một cách ồn ào, gay gắt và khẩn khoản rằng nếu quả có thật như vậy, thì Chơn-Lý nầy phải được công-bố từ lâu, và họ đã phiền trách một cách bất-công Những Người sở hữu Chơn-Lý, sao đã im lặng che giấu sự thật đi. Nhưng những kẻ chỉ trích đó quên một điều là ai thật-tâm đi tìm Chơn-Lý đều có thể gặp, và chúng ta là những người ở thế-giới Tây-Phương mới bắt đầu tìm mà thôi.

Trải qua từ những thế-kỷ nầy tới những thế-kỷ khác, người Âu-Châu đa số yên phận sống trong những sự dị đoan to lớn nhất, và sau rốt, một phản lực đến lôi họ ra khỏi những tín-ngưỡng hẹp-hòi phi lý của họ, và cũng phản lực ấy lại sanh ra một thời kỳ Vô Thần đầy sự tự cao, cũng phi lý và cũng mù quáng như những tín-ngưỡng xưa, đã được thay thế. Cho nên thật ra không phải trước giai đoạn hiện tại ta đang sống đây mà vài người trong số những người khiêm nhượng và khôn ngoan nhất đã bắt đầu nhận định rằng mình không biết gì hết và họ đã tự hỏi: “Mình có thể đi tìm Chơn Lý ở đâu?”

Tuy những người tận tâm tận lực tìm kiếm Chơn Lý đó, hãy còn là một thiểu số, Hội Thông-Thiên-Học được lập ra với mục-đích liên-kết họ lại, và những kinh sách Thông-Thiên-Học được in ra phổ biến rộng rãi để bất cứ ai muốn cũng có thể đọc, học hỏi, ghi chép và thấm nhuần những Chơn-Lý trọng-đại này. Nhiệm-vụ của Hội Thông-Thiên-Học không phải là đem Giáo-Lý của mình nhồi sọ những kẻ cứng đầu, ngang ngược, ngoan cố, nhưng mà là để hiến dâng Giáo-Lý Thông-Thiên-Học một cách giản dị cho những ai nhận thấy cần phải học hỏi nó. Chúng tôi không hề có ảo tưởng như Nhà Truyền Giáo kiêu-hãnh đến nỗi dám kết tội những ai không đọc cái biểu tượng nhỏ nhen và riêng biệt của mình phải chịu đời đời đau khổ ở Hỏa-Ngục. Chúng tôi biết một cách chắc chắn rằng sau rốt, mọi sự đều tốt lành, dù đối với những ai hiện giờ tin rằng không thể chấp-thuận Chơn-Lý được, thật vậy, cũng như đối với những người đã sẵn sàng chấp nhận Chơn-Lý một cách nhiệt-thành.

Nhưng đối với chúng tôi và với hàng ngàn người giống như chúng tôi, sự hiểu biết Chơn-Lý nầy giúp cho chúng tôi chịu đựng đời sống dễ dàng hơn và nhìn cái chết dịu dàng hơn; và nếu chúng tôi hết sức cố gắng thuyết giảng và viết về vấn-đề nầy, đó là chúng tôi muốn cho các Huynh Đệ của chúng tôi cũng được ích lợi và biết rõ sự thật. Ðã từ bao nhiêu ngàn năm, những Chơn-Lý cốt yếu của Ðạo đã được truyền-bá khắp mặt Địa-Cầu. Hiện nay, chúng vẫn còn được truyền-bá. Riêng những người Tây-Phương chúng ta vì kiêu-ngạo, tự-đắc, nên hãy còn không biết tới những điều đó. Mỗi khi một tiểu tiết của Chơn-Lý đến với ta, ta lại cười vang lên, tỏ vẻ khinh bỉ.

Trong Khoa-Học Linh-Hồn cũng như trong mọi Khoa-Học khác, những điều hiểu biết rõ ràng từng chi tiết chỉ có thể thấu-đạt được bởi những Nhà Nghiên-Cứu hy-sinh cả đời mình cho Ngành Học-Thuật đó. Những Người đã hoàn toàn Minh-Triết, mà chúng tôi kính cẩn gọi là những Chơn Sư, Các Ngài đã kiên-nhẫn làm nẩy nở nơi mình những năng-khiếu cần-thiết để chiêm nghiệm về những vấn-đề nầy. Vậy, ở quan-niệm nầy có một sự khác biệt giữa những phương-pháp tìm tòi gọi là Huyền-Bí-Học và những phương-pháp áp-dụng ở những thể-thức tân-tiến hơn của Khoa-Học. Khoa-Học hết sức chú trọng vào sự hoàn-hảo của khí cụ, còn phương-pháp Huyền-Bí chú trọng vào sự phát-triển của chính người chiêm-nghiệm vậy.

PHƯƠNG-PHÁP CHIÊM-NGHIỆM

Không thể nói tỉ mỉ về vấn-đề trên ở trong một quyển sách nhỏ sơ-lược nầy. Muốn biết rõ ràng, ta hãy đọc những quyển sách Thông-Thiên-Học khác. Hiện giờ, tôi chỉ cần nói rằng đó hoàn toàn là một vấn-đề thuộc về sự rung động. Chúng ta chỉ có thể nhận-thức được cái thế-giới bên ngoài bằng những sự rung động thuộc về loại nầy hay loại khác, tác-động vào thị-giác, thính-giác hay xúc-giác của chúng ta. Vì lẽ đó nếu một người có thể cảm xúc được với những làn rung động phụ thuộc, lúc đó Y sẽ có thêm được những tri-giác ngoại cảnh, Y sẽ trở nên một người có “Thần Nhãn.”

Theo nghĩa thường, Thần Nhãn chỉ là một sự mở rộng đôi chút của thị-giác; nhưng con người có thể trở nên càng ngày càng nhạy cảm hơn đối với những sự rung động, chúng càng ngày càng tế-nhị cho tới khi tâm-thức của Y, dựa vào những năng khiếu mới được phát-triển, tự ý theo những con đường mới mẻ và cao cả hơn. Lúc đó, Y sẽ thấy mở rộng trước mắt Y cái mà Y tưởng là những thế-giới làm bằng những chất liệu tinh-vi hơn, nhưng thật ra đó chỉ là những vùng mới mẻ của thế-giới nầy đây, mà chúng ta hiện giờ đang sinh sống. Như vậy, Y học được rằng suốt đời Y có một Vũ-Trụ vô cùng rộng lớn bao quanh Y mà Y không trông thấy. Vũ-Trụ nầy ảnh-hưởng tới con người cả triệu tỷ cách khác nhau, mặc dầu Y không nhận-thức được nó. Nhưng khi Y phát-triển được các năng-khiếu để tiếp-xúc với những thế-giới mới mẻ đó, Y có thể nhận-xét những thế-giới nầy một cách Khoa-Học, và Y có thể cứ tiếp tục lặp đi lặp lại những sự nhận-xét đó. Y so sánh chúng với những sự chiêm-nghiệm của kẻ khác, xếp đặt chúng ra thành từng loại, và Y thấy ở đó những điều suy-luận cần-thiết.

Những sự chiêm nghiệm nầy đã được thực hiện rồi, không phải sự chiêm-nghiệm nầy đã được làm một lần, mà đã được lặp đi lặp lại hàng ngàn lần. Những Vị Chơn Sư mà tôi vừa nói đã thực hiện được những công trình nầy một cách hoàn hảo rồi, và những sinh viên của Hội Thông-Thiên-Học chúng tôi cũng đã hướng những cố-gắng của mình về mục-đích đó. Nhờ những sự tìm tòi và chiêm nghiệm, chúng tôi không những đã có thể kiểm-soát một số lớn những điều chỉ dạy tổng quát của các Chơn Sư buổi ban đầu, mà chúng tôi còn có thể giảng nghĩa và bổ-túc đa số những điều đó một cách tỉ mỉ rõ ràng.

Sự chiêm ngắm cái phần vô hình của thế-giới chúng ta thoạt đầu đã cho chúng ta thấy rất nhiều sự hoàn toàn mới lạ và rất hấp dẫn. Dần dần nó giải quyết cho ta những vấn-đề khó khăn nhất của đời sống, nó soi sáng nhiều điều bí-mật, nó cho chúng ta biết rõ ràng tại sao từ trước đến giờ những sự việc nầy đối với chúng ta lại là những điều bí mật; đó là vì trước kia chúng ta chỉ thấy được một phần của sự thật.

Đáng lẽ chúng ta phải bước lên cao hơn để nhìn bao quát tất cả cái đại-thể duy nhất cân-đối và điều hoà. Bởi vì chúng ta chỉ đứng ở dưới thấp mà nhìn lên, cho nên chúng ta mới thấy mọi sự phi-lý và hình như rời rạc.

Quả thật vậy, Thông-Thiên-Học trong tức khắc đã giải quyết được nhiều vấn-đề tương-tự, những vấn-đề nầy đã được thảo-luận nhiều, thí dụ như vấn-đề: Con người liên-tiếp tồn tại sau Cửa Tử. Thông Thiên Học đã giảng giải một cách xác thật cho chúng ta rõ tại sao những Tôn-Giáo khác nhau đã xác-định những điều thật phi-lý về Thiên-Ðàng, Ðịa-Ngục và Lửa Luyện Tội. Sau rốt, sự chiêm-nghiệm đó phá tan sự vô-minh của chúng ta và làm cho ta không sợ hãi điều ta chưa từng biết, và Thông Thiên Học đã cho ta một quan-niệm hữu lý và sáng suốt về toàn thể Vũ-Trụ. Quan-niệm nầy, tôi sắp sửa rán trình bày với các bạn.

CHƯƠNG 2
NHỮNG NGUYÊN-LÝ ÐẠI-CƯƠNG

Ý muốn nhiệt-thành của tôi là hiến dâng cho các bạn một quan-niệm rất sáng tỏ và dễ hiểu về Thông-Thiên-Học. Vì vậy, ở mỗi điểm riêng rẽ, tôi chỉ nói những Nguyên-Lý đại-cương thôi. Nếu độc giả muốn biết rõ hơn, xin coi ở những quyển sách lớn và ở những bài chuyên khảo tường tận về mỗi vấn-đề riêng biệt. Chúng tôi giới thiệu những quyển sách lớn cho quý bạn muốn đi xa hơn trên Đường Đạo ở cuối mỗi Chương.

Tôi bắt đầu bằng sự trần-thuật đơn-giản những gì đặc-biệt nhất trong những Nguyên-Lý đại-cương của Thông-Thiên-Học, để giúp những sinh viên Thông Thiên Học tiện việc nghiên cứu. Vài độc giả có thể tìm thấy ở đây những chủ-trương khó tin, trái ngược hẳn với những thành-kiến của họ. Xin những vị đó nhớ rằng những điều mà tôi trình bày ở đây không phải chỉ là một lý-thuyết suông, một Khoa Biện Luận siêu hình, hay một quan-niệm Tôn-Giáo của riêng tôi, mà là những thực-nghiệm Khoa-Học chính xác được chứng-minh và phân tách rất nhiều lần, không những bởi tôi, mà còn bởi nhiều người khác nữa.

Ngoài ra tôi còn tuyên-bố rằng, những thực-nghiệm nầy có thể được kiểm-soát trực-tiếp bởi bất cứ ai có ý chí dành hết thời giờ và hết lòng cố gắng vượt qua mọi trở ngại để tự thích nghi với sự sưu tầm nầy. Tôi không đưa cho độc-giả một Tín-Điều phải nuốt trộng như ta nuốt một viên thuốc. Tôi rán để trước mặt độc-giả một hệ-thống để độc-giả nghiên-cứu và điều quan trọng nhất là tôi rán nói với độc-giả phải sống cách nào. Tôi không đòi hỏi ở độc-giả một sự tín-ngưỡng mù quáng. Tôi chỉ xin độc-giả coi Thông-Thiên-Học như một giả-thuyết suông tuy rằng đối với tôi Thông-Thiên-Học không phải là một giả-thuyết, mà là một Sự Thật linh-động nhất.

Mong rằng độc-giả sẽ nghiên-cứu sâu xa giả-thuyết nầy nếu quí bạn nhận thấy nó làm mình hài lòng hơn những giả-thuyết khác, nếu nó có thể giải quyết được nhiều vấn-đề về đời sống đã khiến cho con người thắc mắc; nó trả lời được một số rất lớn những câu hỏi hiện ra trong đầu óc của người biết suy nghĩ, vậy độc-giả nên khảo-cứu sâu xa thêm nữa. Tôi mong và tin rằng do đó độc-giả sẽ càng ngày càng hài lòng và hưởng được an lạc ở nội tâm, cũng như tôi vậy.

Nếu trái lại, độc-giả thấy có một học-thuyết khác hay hơn, cũng không hại gì; độc-giả đã biết được phần nào Giáo-Lý của một Hội mà hiện giờ quí bạn chưa hiểu rõ và không vui lòng chấp nhận. Nhưng còn riêng về phần tôi, tôi tin chắc chắn ở Giáo-Lý nầy đến nỗi tôi biết rằng chẳng sớm thì muộn, khi ngày giờ đến độc-giả sẽ đồng ý với Thông-Thiên-Học và hiểu biết những điều mà chúng tôi đã am tường.

BA CHÂN LÝ TRỌNG ÐẠI

Một trong những cuốn sách Thông-Thiên-Học đầu tiên của chúng tôi đã nói: Có ba Chơn-Lý tuyệt-đối không bao giờ biến mất hẳn đi; tuy vậy ở một vài Thời-Đại, những Chơn-Lý này bị lu mờ vì không có ai ra công tuyên bố chúng. Những Chơn-Lý căn-bản ấy bao la, cao cả như đời sống, và tuy nhiên lại đơn giản như tâm-trí của một người chơn chất nhất. Tôi kể những Chơn-Lý ra đây như là những Nguyên-Lý đại-cương trọng đại nhất.

Sau đây, tôi sẽ trình bày với các bạn một vài qui-kết phụ thuộc phát sinh từ những Chơn-Lý ấy; rồi tôi sẽ kể một vài lợi-ích tất nhiên do những điều hiểu biết rõ ràng nầy mà ra. Ở đoạn chót, sau khi đã phác họa một cách rõ rệt những điểm lớn của đề tài, tôi sẽ đi sâu vào mỗi điểm và tôi sẽ rán trình bày với các bạn trong quyển sách nhỏ khai tâm nầy tất cả những lời giải nghĩa sơ-lược mà nó có thể chứa được.

1. Thượng-Ðế có thật, và Ngài từ-bi. Ngài phân phát SSống ở trong và ở ngoài ta. Ngài trường sanh bất tử và đời đời từ-thiện. Chúng ta không thể lấy giác-quan mà biết được Ngài. Tuy vậy, kẻ nào muốn thấy Ngài thì sẽ nhận thấy được.

2. Con Người trường sanh bất tử, tương-lai vinh-quang và huy-hoàng của Con Người không có giới hạn.

3. Một Định-Luật Thiêng-Liêng tuyệt-đối công-bình chưởng-quản Thế-Giới, vì thế mỗi người tự phán-xét lấy mình, làm chủ đời mình, tự cho mình sự vinh-quang hay sự tối tăm, tự ban thưởng hay trừng phạt.

QUY- KẾT TẤT NHIÊN

Mỗi Chơn-Lý trọng-đại vừa kể đều có một vài qui-kết khác phụ thuộc, bổ-túc.

Những qui-kết sau đây là do ở Chơn-Lý thứ I:

1. Không kể những vẻ bề ngoài, mọi vật đều được kết-hợp với nhau một cách khôn ngoan và rõ rệt để đi tới sự tốt lành. Tất cả những sự việc đến với ta, dù có vẻ rủi ro đến đâu mặc dầu, quả thật chúng nó đã xảy ra đúng như Thiên-Định. Tất cả hoàn cảnh của ta đều có mục-đích để giúp ta, chớ chẳng phải để ngăn cản ta, chúng ta cần phải hiểu rõ điều đó.

2. Vì tất cả Vũ-Trụ đều được xếp đặt để giúp cho Nhân-Loại tiến-hóa dễ dàng, vậy bổn phận Con Người tất nhiên là phải hiểu Thiên-Cơ.

3. Ai đã hiểu được Thiên-Cơ thì có bổn phận phải hợp-tác với Cơ Trời một cách khôn ngoan.

Chơn-Lý thứ II cho ta những qui-kết sau đây:

1. Con Người thật sự là một Linh-Hồn, Xác Thân ta chỉ là một phần phụ thuộc.

2. Do đó Con Người cần phải dựa theo quan điểm của một Linh-Hồn để suy nghiệm mọi sự việc, và mỗi khi trong bản thân ta có sự xung-đột, Con Người phải nhận định rõ ràng rằng: Mình là Phần cao cả nhất, tức là Linh-Hồn chớ không phải là Thể Xác.

3. Khoảng thời-gian mà chúng ta thường gọi là “đời người” thật ra chỉ là một ngày của một đời sống thật sự vô cùng cao cả và rộng lớn.

4. Sự Tử không còn là một vấn-đề quan-trọng như người ta vẫn thường suy tưởng. Thật ra nó không phải là mức chót của sự sống, mà chỉ giống như là người ta đi từ một nấc nầy tới nấc kia trên cái thang để học hỏi và tiến hoá trong đời sống thật sự vĩ đại.

5. Con Người có sau lưng mình, trong dĩ vãng, một sự tiến-hóa bao la bát ngát. Khi chúng ta nghiên-cứu về sự tiến-hóa nầy chúng ta rất vui vẻ an lạc, chúng ta có được sự tăng trưởng về Tinh Thần.

6. Chúng ta cũng có, trước mắt ta, trong tương lai, một sự tiến-hóa huy-hoàng. Nghiên-cứu thâm sâu về sự tiến-hóa Con Người được nhiều sự vui vẻ an lạc và được tăng trưởng thêm về Tinh Thần.

7. Có một điều vô cùng chắc chắn là Con Người sẽ đạt được mục-đích định sẵn cho Y, mặc dầu dường như Con Người đã rời xa con đường tiến-hóa đến bực nào.

Chơn-Lý thứ III cho những qui-kết sau đây:

1. Mỗi tư-tưởng, lời nói, việc làm đều tạo ra một kết-quả rõ rệt; kết-quả nầy không phải là một sự thưởng phạt do bên ngoài đưa tới, nhưng là một kết-cấu tự nhiên của hành-động, liên-quan tới hành-động như kết-quả liên-quan tới duyên do; Nhân và Quả nầy, thật ra, chỉ là hai phần-tử bất khả chia ly của một đại-thể hoàn-bị.

2. Người ta có bổn phận và có quyền lợi học hỏi tường tận về Định-Luật Thiên-Nhiên nầy, hầu có thể sống theo Nó và sử-dụng Nó cũng như người ta đã sử dụng những Định-Luật trọng đại khác trong Vũ-Trụ.

3. Con Người rất cần làm chủ lấy mình để Y có thể điều-khiển đời mình một cách khôn ngoan và hết lòng hợp tác với Luật Trời.

HIỂU BIẾT NHƯ VẬY, TA ÐƯỢC ÍCH LỢI GÌ?

Một khi ta đã hoàn toàn thấm-nhuần sự hiểu biết nầy thì đời ta hoàn toàn đổi mới đến nỗi không sao đếm hết những điều lợi lạc. Tôi chỉ kể ra đây một số ít những đường lối chánh, theo đó liền có sự thay đổi hiện ra, rồi lẽ cố nhiên các độc-giả chỉ cần nghĩ ngợi ít nhiều cũng có thể nhận định được vô số những chi nhánh phát-minh từ những đường lối đó mà ra, đó là kết quả đương nhiên.

Muốn có sự thay đổi đó, ta không phải chỉ hiểu biết lờ mờ mông lung là đủ. Nếu ta tin tưởng giống hệt những Tín Đồ hết lòng tin vào những Tín-Điều của Tôn-Giáo họ, thì thật là vô công hiệu, vì làm như vậy họ không sao thay đổi cách sống được. Nhưng nếu chúng ta tin ở những Chơn-Lý trọng đại nầy, cũng như chúng ta tin vào những Định-Luật của Thiên Nhiên, thí dụ như lửa đốt cháy, nước nhận chìm, lúc đó cái kết-quả ở đời sống chúng ta mới rộng lớn được.

Ðức tin ở sự bất biến của Định-Luật bắt buộc ta phải hành-động cho đúng Luật. Tin rằng lửa làm phỏng, ta hết sức đề phòng tránh lửa, và tin rằng nước làm chết chìm, ta tránh không té dưới nước, nếu ta không biết lội.

Những điều tin-tưởng đặc biệt nầy chỉ rõ rệt và hữu hiệu để giúp đỡ chúng ta nếu chúng có căn bản ở sự hiểu biết do kinh-nghiệm hằng ngày chứng nhận. Và cùng lý do đó mà những Giáo-Lý Thông-Thiên-Học đối với ta cũng rõ ràng và hiển thật. Vì vậy chúng tôi thấy rằng những Giáo-Lý Thông-Thiên-Học cho ta những lợi ích sau đây:

1. Chúng ta hiểu rõ được lý-do của sự sống.

Chúng ta biết tại sao ta sống. Ta phải sống cách nào; và khi đó ta biết rõ rằng đời thật đáng sống, nếu ta hiểu rõ nó.

2. Chúng ta biết cách tự điều-khiển và do đó biết cách tự phát-triển.

3. Chúng ta học được cách tốt đẹp nhất để giúp đỡ những người thân yêu, giúp ích những người xung quanh, rồi sau cùng chúng ta giúp ích cả Nhân-Loại.

4. Chúng ta học được cách suy tưởng về mọi sự trên một quan-niệm Triết-Lý thật cao-thượng, chớ không bao giờ ở một quan-niệm hẹp hòi của Phàm Nhơn.

Do đó:

5. Những nỗi đau khổ của cuộc đời đối với ta không còn là to tát nữa.

6. Những sự việc xảy ra chung quanh ta, cũng như số mệnh của ta, không còn có vẻ bất công nữa.

7. Chúng ta không còn sợ chết.

8. Mỗi khi người thân mến của ta chết, sự đau khổ của ta sẽ giảm bớt rất nhiều.

9. Chúng ta lãnh hội được những quan-niệm khác về sự sinh-hoạt bên kia Cửa Tử, và ta hiểu được vai trò của sự chết trong Cơ Tiến-Hóa.

10. Chúng ta thoát khỏi những nỗi lo âu, băn khoăn thuộc về Tôn-Giáo trong những vấn-đề liên quan tới ta cũng như tới các bạn hữu ta, thí dụ như những nỗi sợ hãi về sự cứu rỗi Linh-Hồn.

11. Chúng ta không còn lo ngại cho số kiếp mai sau của chúng ta và sống trong sự an lạc hoàn toàn.

Bây giờ đây, chúng ta sẽ xét lại những điểm kể trên một cách tỉ mỉ và rán giải nghĩa chúng nó một cách vắn tắt.

CHƯƠNG 3
THƯỢNG-ÐẾ

Vì chúng tôi tuyên bố rằng việc có Thượng-Ðế là Nguyên-Lý đầu tiên trọng đại nhất của chúng tôi, nên chúng tôi phải định-nghĩa Thượng-Ðế là gì. Ðã lâu rồi người ta lạm-dụng chữ này, một chữ rất cao cả. Chúng tôi rán mang hai chữ Thượng-Ðế ra khỏi những giới-hạn hẹp hòi do sự vô minh của con người kém tiến-hóa tạo ra vây quanh lấy nó. Chúng tôi cố trả lại cho hai chữ này cái ý nghĩa đẹp đẽ mà những Vị Giáo-Chủ đã qui-định cho nó, mặc dầu ý nghĩa này còn vô cùng thấp kém hơn sự thật. Vậy, chúng tôi sẽ phân biệt một mặt là Ðức Thượng-Ðế, Sự Sống Vô Tận Vô Biên, với một mặt khác, sự biểu lộ của Sự Sống Vô Tận Vô Biên nầy là một Vị Thượng Ðế hiện ra để mở mang và điều-khiển một Vũ-Trụ. Người ta chỉ áp-dụng danh-từ “Một Thượng-Ðế có nhân cách tính” cho sự biểu-lộ thiêng-liêng đã bị hạn chế ấy mà thôi.

Thượng-Ðế tự bản thể Ngài, vượt ra khỏi các ranh giới của mọi nhân cách tính. Ngài ở trong mọi vật và ở khắp mọi nơi. Thật ra Ngài là tất cả, và nói về Vô Tận, nói về Tuyệt Ðối, nói về Vô Cực, chúng ta chỉ có thể thốt ra lời nầy mà thôi: “Ngài có thật.” Nhưng, về những nhu cầu của thực-tế, chúng ta không cần lên cao hơn sự biểu-lộ huy-hoàng của Ngài: Ấy là Ðức Thái-Dương Thượng-Ðế của chúng ta, một Nguồn Thần-Lực chi phối tất cả mà những Triết-Học-Gia gọi là Logos. Nghĩa chữ “Logos” không quá cao siêu, không vượt quá xa cái trình độ hiểu biết của ta như chữ “Tuyệt Đối “ vậy.

Tất cả những gì người ta nói về Thượng-Ðế, mang ra áp-dụng vào Ðức Thái-Dương Thượng-Ðế, đều đúng cả, “lẽ dĩ nhiên là phải loại trừ những quan-niệm phỉ-báng gán cho Ngài những thói xấu Trần Gian." Nhưng tất cả những gì đã được nói về Ðại Từ, Ðại Bi, về Ðức Minh-Triết, Quyền Lực Tối Cao của Thượng-Ðế, về sự toàn năng toàn tri của Ngài, về sự Ngài hiện diện ở khắp mọi nơi, v.v… tất cả những điều đó đều đúng với Ðức Thái-Dương Thượng-Ðế. Chính là “Chúng ta sống, hoạt động và hành động nơi Ngài” và dù điều này có vẻ lạ lùng đến đâu chăng nữa - đó không phải là một từ-ngữ nên thơ, mà là một thật-sự rõ ràng Khoa Học. Vậy mỗi khi chúng ta nói đến Thượng-Ðế, tư-tưởng đầu tiên của chúng ta là phải qui về Ðức Thái-Dương Thượng-Ðế vậy.

Chúng ta không có cái hy-vọng mơ hồ rằng: Có lẽ Ngài có thật. Tôi nói thêm: Sự ta tin-tưởng Ngài không có tính cách một Tín-Điều, chúng ta biết một cách đơn giản rằng có Ngài, cũng như ta biết rằng Mặt Trời chiếu sáng, vì đối với bất cứ một nhà suy tầm nào đã có Thần Nhãn do sự luyện tập, thì Sự Sống Hùng Mạnh (tức là Thượng-Ðế ) quả có thật. Không phải là khi tiến đến một mức nào trên đường tiến-hóa của Nhân-Loại thì chúng ta có thể trực-tiếp thấy Ngài, không phải vậy đâu. Nhưng có một sự hiển nhiên không sao chối cãi được là ảnh hưởng và những ý muốn của Ngài bao vây xung-quanh ta, bắt ta phải phục tùng mỗi khi chúng ta nghiên-cứu Cõi Vô Hình, nó thật là cái Cõi cao-thượng nhất của Thế-Giới mà ta hằng biết.

Tới đây, chúng ta cần phải giải nghĩa một Tín-Điều chung cho mọi Tôn-Giáo là Ba Ngôi.

Tuy độc-giả thường không sao hiểu được những Tín-Điều mà chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh vào điểm nầy, ta phải nhìn nhận rằng điểm đó sẽ trở nên đầy ý vị và xán lạn một khi người ta biết rõ được ý-nghĩa thiệt thọ của nó.

Theo cách Đức Thái-Dương Thượng-Ðế tự biểu lộ ra với chúng ta, chắc chắn Ngài là Ba Ngôi mà vẫn chỉ là Một. Tuy nhiên, theo như những Tôn-Giáo từ lâu đã dạy chúng ta về điều nầy - và ở những sách mà tôi sẽ kể ra đây - người ta sẽ tìm thấy lời giải nghĩa của sự mà thoạt tiên ta tưởng là huyền-bí nầy, tùy theo với cái trình-độ của trí khôn nhân-loại ở giai-đoạn tiến-hóa hiện giờ có thể lãnh hội được.

Thượng-Ðế ngự trong chúng ta cũng như ở ngoài chúng ta, hay nói một cách khác, con người đồng bản chất với Thượng-Ðế. Ðó là một Chơn-Lý trọng đại nữa. Ða số những ai mù quáng về những điều vượt ra khỏi cái Thế-Giới ngoại cảnh ô-trược nhất nầy, có thể nghi ngờ điều đó. Nhưng đối với người nghiên-cứu phương diện cao siêu của đời sống, Chơn-Lý nầy hiện ra một cách chắc chắn tuyệt đối. Chúng ta sẽ nói về sự cấu-tạo con người và những bản thể khác nhau của y trong một đoạn dành riêng cho Chơn-Lý trọng đại thứ nhì.

Tôi chỉ cần nói ở đây rằng vì nguồn cội bản thể ta là Thượng-Ðế nên chắc chắn rằng bất cứ ai, sớm hay muộn, cũng sẽ đi lên tới mức Thượng-Ðế vậy.

THIÊN-CƠ

Có lẽ không một định-lý nào của chúng tôi được những trí-thức bậc trung chấp thuận một cách khó khăn hơn là điều qui-kết thứ nhất của Chơn-Lý đầu tiên. Khi chúng ta quán xét qua những sự xảy ra trong đời sống hằng ngày, chúng ta thấy bao nhiêu phong ba bão táp, bao nhiêu buồn tủi đau khổ, đến nỗi chúng ta tưởng chừng như điều ác đang thắng điều thiện. Hình như không thể nào sự rối ren hiển hiện lại thuộc về một sự tiến-hóa được xếp đặt một cách khôn ngoan. Tuy nhiên, sự thật đúng là như thế đó. Và người ta có thể dẫn chứng chắc chắn về sự thật nầy một cách dễ dàng. Muốn thế, chỉ cần bước ra khỏi cái đám bụi hồng mà ta làm cho tung bay lên khi ta chiến đấu gay go với thế-giới bên ngoài, và cần xem xét mọi vật ở một tầng cao hơn, dựa vào một sự hiểu biết chu đáo hơn và dựa vào sự an tĩnh của Nội Tâm.

Lúc đó, sự vận chuyển thiệt thọ của bộ máy đời phức tạp sẽ lộ rõ ra, trước kia, người ta đã tưởng rằng những làn sóng ngược chiều của sự ác vượt thẳng lên trào lưu của sự tiến-bộ, nhưng về sau người ta thấy rằng những làn sóng ngược chiều này chỉ là những xoáy nước không đáng kể, những cơn gió lốc nhỏ ở mặt nước, nơi đó một vài giọt nước hình như muốn đi ngược lại cho tới nguồn của con sông. Nhưng con sông này, mặc dầu những sự biểu-lộ bề ngoài, vẫn tiếp tục chảy êm đềm tới đích đã định, mang theo cả xoáy nước và những cơn gió lốc nhỏ; cũng như thế, dòng tiến-hóa vĩ-đại vẫn bền bỉ chảy theo lộ trình của nó, và những điều mà ta coi là những dông tố kinh khủng, thật ra chỉ là một dợn sóng nhỏ trên mặt nước. Ông G. H. Hinton trong những bài “Thi Ca Khoa Học” của ông (quyển I, trang 18 và 21) đã diễn tả một cách rõ ràng một thí dụ tương tự để chứng thật Chơn-Lý này.

Vì có một sự công bằng tuyệt-đối điều-khiển mọi việc (Chơn-Lý thứ ba của chúng ta dạy thế ), và như vậy, dù ta ở hoàn cảnh nào ta cũng nên biết rằng thật ra chỉ có một mình ta đã tạo ra chúng mà thôi, chớ không ai vô đó. Nhưng thế cũng chưa đủ, ta có thể tin chắc chắn rằng dưới sự tác-động của những Định-Luật về sự Tiến-Hóa, tất cả mọi việc đều được xếp đặt để dành cho ta những phương-tiện tốt nhất hầu phát-triển những đức tính cần-thiết cho ta. Rất có thể rằng cái địa-vị của ta hiện giờ không phải là địa-vị mà ta vui lòng ưng chọn, nhưng nó thích đáng với công lao tài cán ta, tùy theo ta đáng được hưởng những gì (nó thường bắt buộc ta phải chịu những nỗi khó khăn thật sự), địa-vị này thích-hợp nhất với những sự tiến-bộ mà ta phải thực hiện. Ðời sống có thể dẫn dắt ta đến trước đủ mọi nỗi khó khăn, nhưng những trở lực nầy chỉ có một mục-đích là dạy cho ta cách vượt qua và để làm phát triển nơi ta lòng can đảm, sự quả quyết, sự kiên-tâm, tính nhẫn nại, nói tóm lại, những đức tính mà ta còn thiếu. Thường thường, người ta nói đến những sức mạnh của Thiên Nhiên như là chúng hùa nhau mà làm hại con người. Thật ra, nếu những người đó chịu khó suy gẫm, họ sẽ hiểu rằng, trái lại với điều họ tưởng, tất cả đều được tính toán kỹ càng để giúp họ lần lần tiến lên cao.

Vậy nếu Thiên Cơ có thật thì nhiệm-vụ con người là phải rán hiểu cái Cơ đó. Ðiều này tưởng khỏi cần chứng-minh nữa. Hãy xét về một vấn-đề có tính cách ích lợi cá nhân: Ai sống dưới ảnh hưởng của một vài điều-kiện nào thì phải tìm cách giúp mình quen thuộc với những điều-kiện ấy, đó là việc đáng làm hơn hết. Nhưng một khi con người không còn tuân theo những lý do ích kỷ nữa thì bổn phận Y lại càng được ấn-định rõ ràng hơn, con người phải thấu hiểu Thiên-Cơ với mục-đích cộng tác với Cơ đó một cách hiệu-quả.

Chắc chắn là Thiên-Cơ đó có định rằng con người phải cộng-tác vào đấy một cách khôn ngoan, một khi trí-thức Y được khá mở mang để hiểu Cơ Trời và một khi Y được khá tiến-hóa về đức hạnh để mong muốn giúp đời. Thật ra, Thiên-Cơ thật là huyền-diệu, và tốt đẹp đến nỗi khi ta đã được chiêm ngắm một lần, ta không làm sao tránh không dành hết năng-lực của mình và cố gắng trở thành một Người Thợ của Thượng-Ðế, mặc dầu công việc Ta đảm nhận nhỏ bé đến đâu.

Muốn biết rõ hơn về những vấn-đề nầy xin đọc những sách “Gia-Tô Giáo Bí Truyền” (The Esoteric Christianity) và quyển“Minh-Triết Cổ-Truyền” (The Ancient Wisdom) của Bà Besant, v.v...

MỘT BÀI HỌC CỦA ÐỜI SỐNG

Khi tôi lần lần tiến bước trên đời và khi mắt tôi trông được rõ hơn, thì

Tôi học được rằng, với mỗi một sự vô trật tự lộ liễu đều có ẩn tàng nguồn rễ của sự công bình.

“Rằng mỗi nỗi đau khổ đều có một mục-đích, mục-đích này thường chẳng bao giờ kẻ đau khổ có thể ngờ được.

“Chắc chắn như buổi bình-minh hiện ra với Mặt Trời, tất cả những gì xảy ra đều là hoàn hảo.

“Tôi biết rằng chắc chắn như bóng tối đi theo đêm, mỗi hành-động tội lỗi phạm ở đâu mặc dầu, một ngày kia sẽ bị trừng phạt, dù thời gian bị phạt xa xôi đến thế nào.

“Tôi biết rằng một đôi khi Linh-Hồn được giúp đỡ do bởi sự đau khổ tận đáy lòng.

“Rằng muốn tiến-hóa thì phải đau khổ, nhưng những việc gì đã xảy ra đều là tốt cả.

“Tôi biết rằng người ta không thể thấy một sự nhầm lẫn nào trong Thiên-Cơ vĩ đại bất diệt.

“Rằng mọi sinh vật đều cộng-tác với hạnh-phúc rốt ráo của Nhân-Loại.

“Và tôi biết rằng Linh-Hồn tôi sẽ lên cao hơn nữa để tiếp tục sự học hỏi vĩ đại vô tận của nó,

Tôi sẽ nói lên, khi ngoảnh mặt ra phía sau nhìn lên Địa-Cầu của chúng ta rằng:

“Tất cả những gì xảy ra đều tốt lành cả.”

(Bài thi không tên Tác-Giả đã được in trong một Tờ Báo Hoa-Kỳ).

CHƯƠNG 4
BẢN THỂ CON NGƯỜI

Cứ xem những cách diễn đạt tư-tưởng trong đời sống hằng ngày thì đủ biết Âu-Châu hiện đang chìm đắm vào cái hố sâu Duy Vật đến chừng nào; thường thường chúng ta nói một cách hết sức tự nhiên rằng: “Con người có một Linh-Hồn. Chúng ta phải cứu rỗi Linh-Hồn chúng ta,” v.v… Nói như vậy chẳng khác nào con người thiệt thọ là ở Xác Thân, còn Linh-Hồn chỉ là một vật phụ thuộc mơ hồ của Xác Thân và lệ thuộc nó vậy.

Với một tư-tưởng như thế do ngôn ngữ đã biểu-lộ rõ rệt sự sai lầm lớn lao, ta khó mà không ngạc nhiên khi thấy một vài người đi xa hơn nữa về chiều hướng ấy và tự hỏi như vầy: “Không biết vật mơ hồ mà người ta gọi là Linh-Hồn ấy có thật không?“

Do đó thường thường người ta không biết rõ ràng mình có một Linh-Hồn hay không và nhất là không biết Linh-Hồn đó có bất tử không. Điều lạ lùng là nhân-loại có thể ở trong sự vô minh đáng thương như vậy, vì thế giới bên ngoài thường cho ta nhiều bằng cớ chứng-minh một cách quả quyết rằng con người có một cách sống hoàn toàn độc-lập đối với Xác-Thân, một đời sống riêng biệt có thể biểu-lộ ở một nơi xa Xác-Thân trước khi chết. Ðời sống nầy hoàn toàn rời bỏ cái xác sau khi chết.

Khi mà chúng ta chưa gột rửa sạch được sự nhầm lẫn lớn lao, tin rằng Xác-Thân của ta chính là ta, thì không bao giờ chúng ta có thể suy luận một cách đúng đắn về vấn-đề nầy. Nhưng chỉ suy nghĩ một chút thôi ta cũng thấy rằng Xác-Thân ta chỉ là một khí cụ, một cơ-quan giúp chúng ta có thể tiếp-xúc với vật-chất Hồng-Trần thô sơ một cách đặc-biệt của Cõi Đời hữu hình.

Suy nghĩ thêm chút nữa, ta sẽ thấy có những loại “Vật-Chất” khác, chớ không phải riêng gì loại Vật-Chất nhỏ mịn gọi là Dĩ Thái mà Khoa-Học hiện-kim chấp nhận là đi xuyên qua được mọi chất khác, ta còn biết được rằng có những Vật-Chất thanh hơn Dĩ Thái nữa, chúng đi xuyên qua Dĩ Thái cũng như Dĩ Thái đi xuyên qua những Chất Hồng-Trần. Những Vật-Chất nầy thanh hơn Dĩ Thái cũng như Dĩ Thái thanh hơn Vật-Chất Hồng-Trần vậy.

Lẽ dĩ nhiên, độc-giả sẽ tự hỏi rằng: Làm sao con người lại có thể biết được những loại Vật-Chất thanh tao, mịn màng như thế. Con người sẽ biết được những loại Vật-Chất nầy giống hệt như Y đang biết những hình thể thô sơ hiện hữu, bằng cách nhận được các làn sóng rung động mà chúng phát ra; con người có thể nhận được các làn sóng rung động ấy vì trong bản-thể Y cũng có những Vật-Chất thuộc về loại thanh tao mịn màng đó. Cũng như xác-thân Y là một cơ-quan để Y sử dụng giao tiếp một cách chủ-động hay thụ động với Thế-Giới Hồng-Trần, thì những Chất mịn màng, thanh tao mà Y có trong người cũng làm thành một cơ-quan giúp Y có thể giao tiếp với Thế-Giới của những Chất thanh tao mà những quan-năng thô sơ Hồng-Trần không sao cảm nhận được.

Ðiều này không phải là một tư tưởng mới. Thánh “Paul” đã nói - ta hãy rán nhớ lại - rằng có một xác-thân làm bằng xương thịt và một xác-thân thiêng liêng, ngoài ra Ngài còn nói về Hồn con người (Soul) và Chơn-Linh của Y (Spirit); hai danh từ nầy Ngài không dùng như những chữ đồng nghĩa, tuy rằng ngày nay người ta quả quyết điều đó với một sự vô-minh không thể tưởng tượng được. Vậy thì bản thể con người phức tạp hơn là ta thường nghĩ. Không những con người là một Chơn-Linh trong cái Hồn, mà cái Hồn đó do Chơn-Linh điều-khiển, Hồn nầy còn có nhiều lớp vỏ nặng nhẹ khác nhau, mà xác-thân là lớp vỏ cuối cùng và dày đặc nhất. Tất cả những lớp vỏ đó có thể gọi là những “Thể “ nếu ta so sánh chúng với những Cảnh Giới Vật Chất riêng biệt của chúng. Thật vậy, ta có thể nói được rằng xung quanh ta có nhiều Thế-Giới bao bọc nhau, Thế-Giới nầy xuyên qua, chen vào Thế-Giới khác kế đó và người ta có những Thể đồng bản chất với những Thế-Giới ấy; do những Thể nầy, con người mới tiếp-xúc được với những Thế-Giới nói trên và mới sống ở đó được.

Dần dần, con người học cách sử-dụng những Thể của mình, điều nầy khiến Y có một quan-niệm càng ngày càng rộng lớn về cái Vũ-Trụ bao la và phức tạp trong đó Y đang sống, vì tất cả những Thế-Giới thanh tao nầy, rốt lại, đều là những phần tử trong toàn bộ của Vũ-Trụ. Rồi con người do đó hiểu được nhiều sự mà trước kia đối với Y có vẻ bí mật; Y sẽ không lầm Y với những “Thể“của Y nữa. Y thấy rằng chúng chỉ là những lớp quần áo mà Y có thể mặc vào, cởi bỏ hay thay đổi, trong khi đó chính con người Y vẫn nguyên-vẹn không có gì khác hơn trước. Chúng ta không cần phải nhắc lại thêm một lần rằng đây không phải là những lý-thuyết thuộc về siêu-hình hay là những tín-ngưỡng. Ðó là những sự thật rõ ràng có tính cách Khoa Học và thí-nghiệm được, mà ai đã nghiên-cứu về Thông-Thiên-Học đều biết. Về những vấn-đề nầy, nhiều người lấy làm lạ khi được nghe những lời xác-định quả quyết thay thế cho những giả thuyết thông thường. Nhưng ở đây, tôi không nói gì ngoài những điều mà một số đông những Nhà Suy Tầm đã biết do những kinh-nghiệm trực-tiếp lặp đi lặp lại nhiều lần. Chắc vậy “Chúng tôi biết rõ những điều chúng tôi nói,” chúng tôi biết do kinh-nghiệm chớ không phải nghe người khác nói. Vì thế chúng tôi dám nói chắc chắn như vậy.

Những Thế-Giới xen lẫn vào nhau nầy với những chất nặng nhẹ khác nhau, chúng tôi gọi là những Cảnh Giới. Cõi đời hữu hình gồm có những Chất Khí và những loại Dĩ Thái, chúng tôi gọi là những Cảnh Giới Hồng-Trần. Cảnh Giới kế tiếp, các Nhà Luyện Kim thời Trung-Cổ biết rõ ràng, gọi là Cõi Trung-Giới (The Astral Plane), chúng tôi vẫn giữ danh từ đó. Trên Cõi Trung-Giới, có một Thế-Giới làm bằng một chất thanh tao hơn nữa, chúng tôi gọi là Cõi Thượng-Giới (The Mental Plane), tức là Cảnh Trí, Thế-Giới của tư-tưởng. Cái Trí của con người làm bằng vật chất của Cõi nầy.

Sau chót, còn có những Cảnh Giới khác cao hơn Cõi Thượng-Giới mà tôi chưa kể ra, sợ làm rối trí độc giả, (Ấy là những Cõi: Bồ-Ðề, Niết-Bàn, Ðại Niết-Bàn và Tối Ðại Niết-Bàn.) hiện giờ chúng ta chỉ nói đến những tác-động của bản thể con người ở những Cảnh Giới thấp mà thôi.

Có điều chúng ta nên biết rằng ở không gian, những Cảnh-Giới nầy không xa cách nhau. Thật ra, chúng choán cùng một chỗ, chúng bao vây chung quanh ta và thấm nhuần ta cả một lượt. Hiện nay, tâm thức ta trụ ở bộ óc Hồng-Trần của ta. Bộ óc này hiện giờ là cơ-quan của tâm-thức ta; vì thế cho nên bây giờ chúng ta chỉ cảm biết được Cõi Hồng-Trần, và có khi chỉ được có một phần nào của Cõi ấy mà thôi. Nhưng chúng ta chỉ cần tập đem tâm-thức ta trụ vào một “Thể “ cao; ngay lúc đó những vật ở Cõi Trần biến đi trước mắt ta, và thay thế vào đó, ta thấy được Cảnh Giới tương đối với cái Thể mới được sử-dụng.

Các bạn hãy nhớ rằng bản thể vật-chất chỉ có một. Vật-chất Cõi Trung-Giới và vật chất Cõi Hồng-Trần chỉ khác nhau cũng như hơi nước khác với nước đá mà thôi. Ðó vẫn chỉ là một chất nhưng ở những hoàn cảnh khác nhau. Vật-chất Hồng-Trần có thể biến thành vật-chất Cõi Trung-Giới. Muốn như vậy, chỉ cần chia nhỏ nó ra và làm cho nó rung-động nhanh hơn lên, cho tương xứng với trạng-thể mong muốn.

CON NGƯỜI THIỆT THỌ

Con Người Thiệt Thọ là gì?

Con Người xuất phát từ Đức Thượng Đế. Con Người là một Điểm Linh-Quang của Ðức Thượng-Ðế. Tâm-Linh Con Người đồng bản thể với Thượng-Ðế. Và Tâm-Linh nầy khoác lên mình nó một Tâm-Hồn cũng như người ta mặc một cái áo vậy. Cái Hồn giống như cái áo bao phủ Tâm-Linh, nó cho Tâm-Linh cá tính. Ðối với sự hiểu biết thấp thỏi của chúng ta tấm áo nầy hình như ngăn cách Tâm-Linh trong một thời gian làm cho nó phải rời xa Thượng-Ðế. Câu chuyện về sự cấu-tạo đầu tiên Linh-Hồn con người, về sự Tâm-Linh khoác lại mảnh Linh-Hồn, là một câu chuyện rất tuyệt-diệu và lý-thú, nhưng dài quá, không thể kể rõ trong quyển sách sơ lược như quyển nầy. Người ta có thể đọc câu chuyện nầy một cách đầy đủ ở những quyển sách nói về cái phần đó của Giáo-Lý. Ở đây chỉ cần nói rằng cả ba Trạng-Thái của Thượng-Ðế đều có nhiệm-vụ là sự tạo Linh-Hồn nầy, và sự cấu-tạo Hồn con người là cái điểm cao nhất của việc Thượng-Ðế tự hy-sinh đi xuống Vật-Chất, người ta gọi đó là sự Nhập Thế, đầu thai.

Ðây là một Linh-Hồn còn bé thơ. Vì nó được tạo thành giống như hình ảnh Thượng-Ðế nghĩa là cũng có ba Trạng-Thái như Ngài và cũng tự biểu lộ bằng ba cách như Ngài, cho nên, khi nó tiến-hóa đi lên, nó sẽ hành động ngược lại với khi nó đi xuống để Nhập Thế. Ðiểm Linh-Quang đồng bản-chất với Thượng-Ðế chứa đựng đủ mọi khả năng tiềm-tàng; nhưng trước khi làm nảy nở những khả-năng ấy, Linh-Hồn phải tiến-hóa từ những đời kiếp nầy tới những đời kiếp khác. Cái phương-pháp được ấn-định trước để làm nảy nở những đức tính tiềm tàng của con người hình như là phải để cho Y học cách cảm-ứng với những rung động bên ngoài bằng cách cũng rung lên cùng một nhịp với chúng. Nhưng ở trình độ của Con Người Thiệt Thọ (tức là ở thượng từng Thượng-Giới), Cõi Thượng-Thiên (The higher Mental Plane), những rung-động tế nhị, thanh tao quá, con người hiện giờ chưa cảm ứng nổi. Thoạt đầu, con người chỉ có thể nhận thức được những sự chuyển động mạnh và thô kịch nhất, nhờ những chuyển động nầy giúp sức, sự linh-cảm của Y lúc đầu như ngủ mê sau được thức tỉnh; Y trở nên linh-cảm hơn mãi cho tới khi Y có thể cảm ứng trên mọi Cảnh-Giới với mọi làn rung động.

Ðó là trạng-thái vật-chất của sự tiến-hóa của con người. Nhưng ở phương-diện chủ quan, con người có thể cảm-ứng được với mọi sự rung-động, thì cố nhiên phải có năng-khiếu thiện cảm (sympathy) và từ bi (compassion) phát triển một cách đầy đủ. Thật vậy, đó là đặc điểm của Con Người tiến-hóa, của Chơn-Sư, của Người dìu dắt những Linh-Hồn, của Ðức Christ vậy. Vì muốn đạt được điều-kiện đó cho nên bao nhiêu đức tính tốt của “Con Người hoàn toàn” đều phải được phát triển, và đó là nhiệm-vụ thiệt thọ của con người khi sống lâu dài trong Vật Chất.

Ở Chương nầy, chúng ta đã bàn qua những vấn đề rất trọng đại. Những ai muốn khảo-cứu thêm, xin đọc những sách Thông-Thiên-Học khác. Muốn biết về bản thể con người, xin đọc những sách sau đây của Bà Besant:

a. “Con Người và những thể của Y” (Man and his Bodies),

b. “Chơn-Nhơn và những lớp vỏ của Nó” (The Self and Its Sheaths),

c. “Bảy thể của Con Người” (The Seven Principles of Man); và của tôi (Ô. Leadbeater):

d. “Con Người hữu-hình và vô-hình” (Man, Visible and Invisible) trong đó có nhiều sự mô tả những Thể “Phách,” “Vía,” “T do con mắt của một người có Thần Nhãn nhận xét.

Muốn biết về cách sử dụng những năng khiếu nội tâm, xin đọc quyển “Thần Nhãn”(The Clairvoyance).

Muốn biết cách cấu tạo và sự tiến hóa của Linh-Hồn, xin đọc:

- “Sự phát sinh và sự tiến-hóa của Linh-Hồn” (Birth and Evolution of the Soul)ức Annie Besant).

-Sự phát triển của Linh-Hồn” (Growth of the Soul) (Ô. Sinnett) và của tôi (Đức Ô. Leadbeater):

-Tín Điều Gia-Tô” (Christian Creed).

Về sự tiến-hóa tâm linh của con người, xin đọc:

- Trước Thềm Thánh-Ðiện” (In the Outer Court) (Theo đúng nghĩa của bản chánh là Sân Ngoài),

- Con Ðường của Người Ðệ Tử ” (The Path of Discipleship) (Đức Bà Besant) và những Chương cuối cùng của quyển sách nhỏ của tôi (Đức Ô. Leadbeater):

-Những KPTrợ vô hình” (Invisible Helpers).

CHƯƠNG 5
LUÂN HỒI

Vì những sự rung động tế nhị nhất không thể ảnh hưởng ngay đến Linh-Hồn, nên Linh-Hồn nầy phải khoác những lớp áo vật chất khá thô kịch để cho những sự rung động kém tế nhị có thể truyền tới nó được. Lần lượt, Linh-Hồn mang lấy Thể Trí, Thể Vía và Thể Xác. Ðó là một sự Nhập Thế, sự đầu thai, bước đầu của một đời sống Hồng Trần. Trong đời sống nầy, Linh-Hồn thâu được những sự kinh nghiệm về đủ mọi sự. Tôi có thể nói rằng nó học được một vài bài học và phát triển được một vài đức tính.

Sau một thời-gian lâu hay mau, Linh-Hồn tự thu mình lại và cởi bỏ lần lượt những lớp áo mà nó đã mặc. Lớp áo đầu tiên cởi ra là Xác Thân. Bỏ Xác Thân, ta gọi là chết, chết không phải là ngừng hoạt-động như ta đã vô minh tưởng như vậy. Nghĩ như thế, sai sự thật biết bao nhiêu. Sự chết nầy thật ra chỉ là một sự cố-gắng của Linh-Hồn để thu mình lại và mang đi nơi khác sự khôn ngoan đã học hỏi được, và sau một thời gian nghỉ ngơi tương đối ngắn hay dài, Linh-Hồn lại phải cố-gắng làm một việc mới tương tự như thế nữa.

Như chúng tôi vẫn thường nói, trường hợp của một Học Sinh Bậc Tiểu Học, chúng ta gọi Đời Sống của Em là một ngày học trong Đời Sống rộng lớn thật sự. Trong một ngày học ở Trường Học, Em đã học được nhiều Bài Học. Trường hợp Em Học Sinh sống được 70 hay 80 tuổi cũng không phải là đủ thời gian để Em có cơ hội học được tất cả những điều kỳ diệu và tốt đẹp trong Cõi Đời Vật Chất nầy. Do đó, mỗi ngày Em Học Sinh phải trở lại Trường Học để học thuộc tất cả những bài học cần thiết và trải qua nhiều lớp học khác nhau để học bài.

Nếu khi đi học ở trường đời mà Em Học Sinh ấy lười biếng, không chịu học thuộc bài, thì Em phải học đi học lại mãi một bài. Mỗi ngày học tượng trưng cho một kiếp sống ở Thế Gian trong vô số những kiếp sống của Em Học Sinh ở Thế Gian. Trước khi thật sự thuộc bài, Em Học Sinh phải học biết bao lần, tôi không thể biết được. Nhưng chẳng sớm thì muộn, sau nầy thế nào Em cũng thuộc bài, tuy rằng Em tiến tới rất chậm chạp.

Em Học Sinh phải học qua nhiều lớp học khác nhau, trong những hoàn cảnh và điều kiện sống khác nhau do ý muốn của Thầy Giáo (God). Sau cùng Em được tốt nghiệp vẻ vang. Định Luật Thiêng Liêng đã sắp đặt cho Em Học Sinh có đủ thời gian và cơ hội thuận lợi để hoàn tất việc học ở Thế Gian.

Đó là điều mà chúng tôi gọi là Giáo Lý về Sự Luân Hồi hay Sự Tái Sinh. Một Giáo Lý đã được phổ biến rộng rãi trong các Nền Văn Minh cổ xưa trên Địa Cầu, và Nhân Loại ngày nay vẫn bị bắt buộc phải làm theo, không một ai được miễn trừ.

Về Sự Luân Hồi Ông Hume đã viết rằng: “Cái gì không bị hư hỏng thì cũng không thể sinh sản. Linh Hồn, do đó, nếu Nó là bất tử, thì Nó đã tồn tại trước khi Con Người được sinh ra... Do đó, sự đầu thai chuyển kiếp là một Hệ Thống Giáo Lý Duy Nhất mà Khoa Triết Học có thể lắng tai nghe và chấp nhận.”[1]

Viết về những Lý Thuyết của Sự Đầu Thai Chuyển Kiếp ở bên Ấn Độ và Hy Lạp, Ông Max Muller đã nói: “Có một điều rất thích thú để học hỏi là: Nếu diễn tả dưới ngôn từ ít sự huyền thoại, thì Sự Đầu Thai Chuyển Kiếp có thể được xếp vào loại Đề Thi Nghiêm Chỉnh và Quan Trọng Nhất.”[1]

Trong công trình cuối cùng của cuộc đời, Nhà Đông Phương Học vĩ đại nầy đã đề cập đến Lý Thuyết về Sự Luân Hồi, và nói rõ rằng Ông hoàn toàn hết lòng tin vào Thuyết Luân Hồi.

Ông Huxley viết: “Cũng giống như Thuyết Tiến Hoá, Sự Đầu Thai Chuyển Kiếp có gốc rễ trong Thế Giới Hiện Thực. Người ta có đầy đủ tài liệu để chứng minh rõ ràng.”[1]

Như vậy, rõ ràng là các Tác Giả xưa và nay đều đồng ý đưa Thuyết Luân Hồi vào vị trí cao nhất để nghiên cứu kỹ lưỡng và để học hỏi một cách nghiêm chỉnh.

Chúng ta chớ nên hiểu lầm rằng Con Người đang ở mức độ tiến hoá cao, khi chết rồi lại đầu thai vào một con thú. Đây là sự vô minh hoàn toàn của người chưa học Chân Lý. Sự việc nầy không thể xảy ra được. Con Người khi thoát kiếp Thú rồi Y có Thượng Trí riêng biệt. Y có Linh Hồn riêng biệt. Con Thú còn ở chung trong Hồn Khóm. Con Người sẽ không bao giờ đi ngược lại Luật Tiến Hoá để đầu thai làm Con Thú, dù cho Y có phạm tội nặng đến đâu cũng không bao giờ Y bị bắt buộc phải đầu thai vào Loài thấp hơn mức tiến hoá của Nhân Loại. Dù Y bỏ qua những cơ hội tốt để học thuộc bài thì chỉ tiến hoá rất chậm chạp mà thôi. Cách đây mấy năm, một tờ tuần báo đã diễn tả một cách duyên dáng cái tinh-hoa của thuyết nầy: “Một em trai nhỏ tới lớp học, em còn nhỏ xíu. Em chỉ biết những điều mà sữa của mẹ em đã đem lại cho em thôi. Thầy Giáo của em (tức là Ðức Thượng-Ðế) để em học ở lớp chót, và cho em một bài học rằng: “Con không được sát sinh, con không được làm hại một sinh vật nào. Con không được trộm cắp.” Người học trò nầy không sát sinh, nhưng đã độc ác và trộm cắp. Hết ngày hôm đó (nghĩa là khi râu Y đã bạc trắng, đêm đã đến và Tử-Thần đã tới) Thầy Giáo (tức Ðức Thượng-Ðế) bảo Y: “Con đã học được việc tránh sát sinh, nhưng các bài học khác con chưa thuộc. Sáng mai, con phải trở lại đây.”

Sáng hôm sau, Y lại tới với một hình hài một đứa trẻ. Và Thầy Giáo Y (Thượng-Ðế) cho Y học ở một lớp cao hơn một chút và cho Y học những bài sau đây: “Con không được làm hại một sinh vật nào. Con không được trộm cắp. Con không được lường gạt.” Cậu học trò không làm hại sinh vật, nhưng cậu đã trộm cắp và nói dối. Tới cuối ngày (khi râu Y bạc phơ, đêm đã đến và Tử-Thần tới), Thầy Giáo y (Thượng-Ðế ) bảo Y rằng: “Con đã học có lòng bác ái, nhưng các bài học khác con chưa thuộc. Ngày mai con phải tới đây.”

Rồi sáng mai, Y lại tới với hình hài một đứa con nít. Và Thầy Giáo Y (Thượng-Ðế) để Y học trong một lớp cao hơn lớp vừa rồi và cho Y học những bài sau đây: “Con không được trộm cắp, lường gạt, con không được ham muốn của cải người khác.” Ðứa học trò nhỏ nầy thật sự không trộm cắp, nhưng nó gạt gẫm và ham muốn những của cải của kẻ khác. Cho đến khi chiều tối (nghĩa là khi râu tóc Y bạc trắng, đêm đã đến và Tử-Thần tới), Thầy Giáo Y (Thượng-Ðế) bảo Y rằng: “Con đã học được bài học cấm trộm cắp, nhưng các bài học khác con chưa thuộc. Sáng mai con phải đến đây.”

Ðó là những điều mà tôi đã thấy được ở trên gương mặt những người nam cũng như những người nữ, ở trong quyển sách rộng lớn là Cõi Đời nầy, và ở trên những trang giấy cổ kính đang trải ra ở trên Trời, viết bằng những ngôi sao.

Tôi không nên kể nhiều những lý-luận vững chắc, không thể đánh đổ được, làm căn bản cho Thuyết Luân-Hồi, e làm đầy những trang sách nầy. Những lý luận đó được trình bày một cách đầy đủ hoàn toàn ở nhiều quyển sách Thông-Thiên-Học do một ngòi bút có năng-khiếu làm việc nầy hơn là ngòi bút của tôi. Tôi chỉ thêm vào đây một điều nhận-xét đơn giản thôi. Ðời sống bắt chúng ta phải giải quyết biết bao nhiêu vấn-đề. Ngoài giả-thuyết Luân-Hồi ra không có một thuyết nào khác giải đáp chúng được. Cái thuyết chơn chánh và trọng đại nầy đã cắt nghĩa được những bài toán đố đó. Vậy thuyết nầy phải được coi như là Chơn Chánh cho tới khi nào người ta tìm được một thuyết khác làm hài lòng ta hơn. Tôi còn nói thêm rằng đối với nhiều người trong chúng tôi, giả thuyết nầy, (cũng như bao nhiêu Giáo-Lý khác của chúng tôi) không phải là một giả-thuyết, chính nó còn là một sự thật mà chúng tôi biết rõ một cách chắc chắn và trực tiếp vậy, (dù rằng người đời không tín nhiệm sự hiểu biết của chúng tôi).

Tôi xin công nhận rằng, đối với quần chúng, điều nầy không thể được coi như là bằng cớ.

Và đây lại là một quan-niệm khác nữa. Một số đông những người hiền lành thẳng thắn lấy làm buồn rầu vì không sao có thể dung-hòa được những sự xảy ra hằng ngày mà họ được mục-kích với thuyết Thượng-Ðế toàn năng toàn thiện. Vì họ đã trông thấy những nỗi đau khổ về tinh-thần, những nỗi đau khổ về vật chất của chúng ta, họ nghĩ chắc chắn rằng: Một là Thượng-Ðế không toàn năng nên không thể ngăn cản sự đau khổ được, hai là Thượng-Ðế không toàn thiện và không chú ý tới những nỗi thống khổ của chúng ta. Còn chúng tôi, những người Thông-Thiên-Học, chúng tôi tin rất chắc chắn rằng Ngài thật là toàn thiện toàn năng, và chính do cái thuyết căn bản Luân-Hồi mà chúng tôi có thể dung hòa sự Toàn Năng, Toàn Thiện nầy với thực tế đầy đau buồn đang vây quanh chúng ta đây; lẽ cố nhiên, cái giả-thuyết độc nhất khiến ta có thể công nhận một cách hữu lý rằng Thượng-Ðế là Từ-Bi và Oai Quyền Tuyệt Ðối, lẽ cố nhiên giả-thuyết ấy đáng được nghiên-cứu một cách kỹ càng.

Vì giả-thuyết nầy làm cho ta hiểu rằng đời sống của ta bây giờ không phải là mới khởi đầu kiếp nầy, nhưng chúng ta đã có ở dĩ-vãng một chuỗi dài những kiếp sống, và chính vì nhờ những điều chúng ta đã học hỏi được ở dĩ-vãng mà bây giờ chúng ta mới vươn lên từ mức con người dã man, thô tục tới mức văn-minh hiện tại của chúng ta bây giờ.

Chắc chắn ở những kiếp sống đã qua ấy, chúng ta đã hành-động quấy và phải. Tự ở mỗi hành-động của chúng ta, theo một Định-Luật công bình bất-di bất-dịch, phát sinh ra một tỉ lượng nhất định về điều thiện hay ác, việc lành bao giờ cũng mang lại hạnh-phúc và những điều kiện thuận tiện để phát-triển về sau. Trái lại việc ác bao giờ cũng sinh ra đau khổ và thu hẹp lại những trường-hợp may mắn để phát-triển.

Vậy nếu trong khi ta hướng về điều thiện mà ta bị ngăn cản cách nầy hay cách khác thì ta phải hiểu rằng sự thấp kém nầy chỉ ở nơi ta mà ra, hay có lý do ở lẽ Linh-Hồn ta hãy còn non nớt. Nếu chúng ta buồn rầu, đau khổ, thì chỉ riêng chúng ta chịu trách-nhiệm mà thôi. Ngàn vạn kiếp con người, tuy phức tạp và khác nhau tới đâu mặc dầu, chính chúng là cái kết quả rất đúng đắn và không sao tránh được của những điều thiện, ác chứa chất trong những hành-động đã qua của họ, và mọi vật đều tuần tự tiến-hóa theo đúng với Luật Trời để nhắm đến vinh-quang cuối cùng.

Có lẽ không một Giáo-Lý Thông-Thiên-Học nào bị công kích kịch liệt bằng cái Thuyết Luân-Hồi cao cả nầy, và tuy vậy, đó là một Thuyết vô cùng an ủi, vì nó bảo đảm cho ta có đủ thời giờ để tiến-hóa, nó cho ta đủ thời giờ và điều kiện để trở nên “Trọn Lành” như Cha chúng ta ở trên Trời Trọn Lành vậy.

Một vài người phản đối rằng ở Cõi Đời nầy họ đã phải chịu biết bao nhiêu phiền não và đau khổ, cho nên họ không sao chấp nhận rằng họ còn phải trải qua những sự thử thách đó nữa. Ôi, cách lý-luận như thế mới đáng thương làm sao. Chúng ta đi tìm Chơn-Lý, chúng ta chẳng nên thụt lùi chạy trốn, dù Chơn-Lý nầy làm ta vui vẻ hay buồn lòng; nhưng thật ra, như tôi đã nói ở trên kia, sự Luân Hồi, khi ta thật hiểu nó, đó là một Thuyết vô cùng an ủi.

Có người thường hỏi rằng nếu quả thật chúng ta đã sống nhiều tiền kiếp, tại sao chúng ta không nhớ lại kiếp nào cả. Xin trả lời tóm tắt như sau đây: Có một vài người nhớ được tiền kiếp, nhưng đây là thiểu số, vì đa số những người trong thời đại chúng ta hãy còn có tâm thức ngụ ở một Thể thấp của mình mà thôi. Người ta không sao bắt “Thể “ đó nhớ lại những ký ức của những kiếp đã qua, vì Thể ấy chưa từng trải qua những ký ức đó, còn Linh-Hồn có trải qua những ký ức đó nhưng chưa đủ thức tỉnh hoàn toàn trong Cảnh Giới của mình. Tuy vậy, ký ức của cả dĩ vãng đã được ghi trong Linh-Hồn, và những đức tính bẩm sinh của đứa trẻ chính là một lối biểu-lộ cái ký ức ấy. Nhưng khi một người đã khá tiến-hóa có thể trụ tâm-thức mình ở Linh-Hồn chớ không phải ở những Thể thấp nữa, thì cả lịch-sử của đời sống thiệt thọ rộng lớn nầy sẽ phô bày ra trước mặt Y như một quyển sách mở rộng.

Tất cả vấn đề nầy được trình bày một cách đầy đủ trong quyển sách của Đức Bà Besant: “Luân-Hồi” (Reincarnation), trong quyển “Luân-Hồi, một hi-vọng của thế-giới” (La Réincarnation, une espérance pour le monde) và trong một vài trang của quyển “Trước Thềm Thánh-Ðiện” (In the Outer Court) của Bà Besant mà tôi đặc-biệt giới thiệu với độc giả.

CHƯƠNG 6
MỘT QUAN-NIỆM MỚI MẺ VỀ BẢN THỂ CON NGƯỜI

Chỉ cần suy nghĩ đôi chút chúng ta cũng đủ thấy rằng có một sự thay đổi căn bản lớn lao trong cách sinh-hoạt của một người đã hiểu rõ rằng: Ðời sống vật chất không đáng kể chút nào, đó chỉ là một ngày tới Trường để học, và Xác Thân của Y cũng không có nghĩa lý gì, đó chỉ là một cái áo mà người ta mặc một lát để làm việc và người ta sẽ cởi ra khi xong việc. Người ấy bây giờ hiểu cái công việc quan trọng duy nhất là học bài cần phải học, và nếu để cho việc nầy, việc nọ làm Y lãng trí, quên mất công việc ấy đi, thì đó là Y đã hành-động một cách thật vô cùng khinh xuất.

Ðối với ai đã biết Chơn-Lý, đời sống tầm thường của thế-nhân, sống mà hoàn toàn theo đuổi sự giàu có hay danh vọng, thì nó quá nhỏ hẹp. Phải chăng đó là một sự hy-sinh phi lý tất cả những gì quí báu để được phỉ dạ chốc lát ở mức thấp kém trong bản thể chúng ta. Người Đệ Tử “quí chuộng những sự cao-thượng chớ không quí chuộng những gì của Trần Gian” vì trước hết, đó là nhiệm-vụ của Y, sau là vì Y hiểu rành rẽ tất cả sự phi lý của những gì thuộc về Hồng-Trần. Bao giờ Y cũng cố-gắng đặt mình vào một quan-điểm cao nhất, vì người ta không thể cho là quan trọng những gì mà người ta trông thấy ở Cõi thấp, khi đó, thị-giác của ta bị những xúc-cảm và dục-vọng thấp hèn che lấp, chúng kết lại thành một đám mây mờ dày đặc xung quanh ta.

Như vậy không phải bao giờ người Đệ Tử cũng không bị quyến rũ, vì Y đã tin chắc hơn ai hết con đường cao-thượng là con đường Y phải đi theo. Thương ôi, không phải thế đâu. Nhiều khi Y bị quyến rũ, lôi kéo xuống phía dưới. Một sự tranh chấp lớn lao xảy ra nơi bản thân Y. Theo như cách diễn tả mạnh mẽ của Thánh Paul, Y sẽ cảm thấy rằng: “Có một định-luật của tứ-chi chống lại với định-luật của Linh-Hồn.” Và Y cũng sẽ biết được sự thật trong câu nầy: “Ðiều mà tôi muốn làm thì tôi không làm. Ðiều mà tôi không muốn làm, tôi lại làm.” Về vấn đề nầy, tôi xin nói rằng có những người rất sùng đạo đã nhầm lẫn một cách đáng tiếc về nguyên do của những trận dông tố trong lòng mà tất cả chúng ta đều thấy nổi lên ở nội tâm một cách gay go và liên tiếp không nhiều thì ít. Và thường những người đó nghĩ như sau: Một là họ tưởng những dục vọng hèn kém mà họ cảm thấy là do ở Ma Quỉ cám dỗ mà ra, hoàn toàn xa lạ đối với họ, hai là họ than khóc cho sự hắc ám và gian ác của tâm hồn, họ run sợ trước cái hố sâu chứa đầy những sự xấu xa trong lòng họ. Thật ra rất nhiều người tốt lành, vừa nam lẫn nữ, bị vày vò bởi những nỗi băn khoăn vô ích này.

Thoạt tiên cần phải biết rằng, muốn hiểu rõ vấn đề nầy, nên nhớ những dục vọng hèn kém mà chúng ta cảm thấy không phải là của chúng ta. Chúng cũng không phải là của Ma Quỉ nào muốn cố tâm làm mất Linh-Hồn ta; sự thật là có những Sinh Vật xấu xa nhiều khi bị những tư tưởng xấu của chúng ta thu hút, chúng làm cho những tư-tưởng nầy thêm sức mạnh, nhưng các Sinh Vật nầy đều do con người tạo nên, hơn nữa tất cả chỉ sống trong một thời-gian thôi. Chúng chỉ là những Hình Tư-Tưởng do những người xấu tạo nên, và đời sống giả tạo làm chúng linh động chỉ ngắn ngủi tương đối với sức mạnh của cảm tình đã tạo ra chúng.

Nhưng thường thường những sự thúc giục tai hại đều từ một nguồn gốc khác mà đến với chúng ta. Chúng ta đã nói rằng: Khi đầu thai, con người lần lần khoác vào mình những Lớp Vỏ làm bằng những Chất ở những Cảnh Giới khác nhau. Nhưng mà những Chất nầy không phải là vô-tri vô-giác (Khoa-Học Huyền-Bí dạy ta rằng không có Vật Chất nào vô-tri vô-giác cả). Vật Chất nầy sống, đời sống của nó có những bản năng riêng. Và sự sống Vật Chất nầy ở vào một trình độ tiến-hóa thấp kém hơn trình độ của chúng ta nhiều lắm. Chúng còn đi xuống thấp nữa.

Sự tiến-hóa đối với chúng, trở nên dày đặc; còn đối với chúng ta, tiến-hóa là đi lên, là trở nên thanh cao tế-nhị. Vậy rất dễ-dàng biết được nguồn cội của những sự xung đột, vì quyền lợi của Con Người trái ngược với quyền lợi của Vật-Chất linh-động, kết-cấu thành những Thể Vía, Trí của Con Người.

Ðấy là sự giải-nghĩa sơ lược về việc chiến-đấu kỳ-lạ trong nội tâm mà thỉnh-thoảng chúng ta thấy có trong lòng, sự chiến đấu nầy đã khiến cho những tâm hồn Thi-Sĩ tưởng như có những Thiên-Thần thiện và ác tranh nhau cướp đoạt Linh-Hồn Con Người. Ở trong quyển sách “Cõi Trung-Giới” (The Astral Plane, page 100) của tôi có những chi tiết nhiều hơn về vấn đề nầy. Trong khi chờ đợi, Con Người nên hiểu rằng mình là một sức mạnh cao cả, bao giờ cũng tiến bước và tranh đấu cho điều thiện, còn cái năng lực thấp thỏi đó trong lòng ta, thật không phải là ta đâu, nó chỉ là một phần tử ngỗ nghịch không chịu phục tùng của những Thể thấp của ta mà thôi. Con Người thiệt thọ phải học cách chế ngự phần ngỗ nghịch ấy, phải hoàn toàn làm chủ nó và bắt nó phải vâng lời. Nhưng ta chớ lầm tưởng rằng nó là cái gì thật xấu xa. Nó cũng là một sự biểu lộ quyền năng của Thượng-Ðế, tìm cách đi theo con đường riêng thường tình của nó. Ở mức tiến-hóa của nó, nó phải đi xuống sâu vào Vật Chất chớ không phải thoát khỏi Vật Chất và đi trở lên như chúng ta.

CHƯƠNG 7
SỰ CHẾT

Sự hoàn toàn hiểu biết Giáo-Lý Thông-Thiên-Học cho ta rất nhiều lợi ích thực tế. Lợi ích quan-hệ nhất là hoàn toàn thay đổi thái-độ của ta đối với sự chết; không sao tả cho hết được những nỗi vày vò Tâm-Hồn, về những sự buồn rầu, những sự kinh khủng và lo âu không cần thiết mà Nhân-Loại đã chịu, chỉ vì vô-minh và dị đoan đối với sự chết. Có rất nhiều tin tưởng phi lý về điều nầy đã tạo nên ở dĩ vãng và hiện giờ vẫn còn ở hiện tại một tổng số đau khổ không thể tả hết được. Và sự phá bỏ hết những thành kiến ấy là một điều ân huệ lớn nhất mà con người có thể làm cho Nhân-Loại. Những ai kiếp trước đã khảo-cứu về Triết-Học, nên kiếp nầy đủ năng lực để công-nhận Giáo-Lý Thông-Thiên-Học, đều được hưởng ân huệ nầy.

Giáo-Lý Thông-Thiên-Học làm cho sự chết mất hết vẻ kinh khủng và đau buồn thường bao vây lấy nó. Giáo-Lý Thông-Thiên-Học khiến cho ta có thể nhìn sự chết theo trạng thái cân xứng thiết thực của nó và hiểu công dụng của nó trong Cơ Tiến-Hóa. Khi người ta coi sự chết như mức chót của đời sống, hay như sự bước chân vào một xứ tối tăm nguy hiểm và xa lạ, thì lẽ cố nhiên người ta nhìn nó với lòng lo sợ lớn lao, nếu không phải với một cái tâm lo lắng thật sự. Và vì rằng, mặc dầu những Tôn-Giáo đã dạy những điều trái ngược hẳn lại, đó là cách thông thường mà Thế-Giới Tây-Phương quan niệm về sự chết, vậy ta không nên ngạc nhiên về hàng ngàn điều ghê tởm kinh khủng tới dính liền với sự chết và tiêm nhiễm vào những thói quen của chúng ta và ảnh hưởng cả tới những người đã biết rõ sự thật.

Tất cả những dấu hiệu đau khổ về quần áo, tang chế, về những tờ giấy viền đen chỉ là những bằng chứng của sự vô minh của những ai sử dụng những đồ vật ấy. Ai đã bắt đầu hiểu sự chết là gì đều gạt bỏ ra một bên việc bày trò hề đó như là một trò trẻ con điên rồ. Người ấy biết rằng sự chết là một điều tốt lành, và thương tiếc một việc may mắn đã xảy ra với bạn mình chỉ vì người bạn đó phải xa cách ta ở bề ngoài, rõ ràng đó là một hành động ích kỷ. Lẽ dĩ nhiên, đột nhiên phải chia ly trong một thời hạn như thế, con người không sao khỏi xúc cảm, nhưng điều mà Y có thể tránh nếu đừng cho sự u buồn của mình thành một trở lực đối với người bạn đã chết.

Người đã hiểu sự chết ra sao thì biết rằng không nên sợ hãi và than khóc, dù sự chết đến với Y hay với những người Y thương yêu. Tất cả mọi người đều đã có chết nhiều lần rồi. Ðối với mọi người, Tử Thần là một người bạn cũ quen thuộc. Thay vì coi Tử Thần như một Bà Chúa kinh khủng, ta nên coi Tử Thần như một vị Thiên-Thần mang một chìa khóa vàng, dẫn chúng ta đến những xứ vinh quang của đời sống cao cả.

Người đã hiểu sự chết cũng hiểu rằng sau khi chết sự sống luôn luôn tiếp diễn, và mất xác thân cũng giống hệt như lúc ta cởi một cái áo. Sự chết nầy không thay đổi gì Con Người Thiệt Thọ đã mặc áo. Y thấy rằng chết là được thuyên chuyển từ một Cõi đời sống quá phân nửa thiên về Vật Chất tới một Cõi đời sống hoàn toàn nơi Trung-Giới, nghĩa là cao cả hơn nhiều. Vì thế Y sẵn sàng tiếp đón sự chết khi nó đến. Và khi nó tới với những người thương yêu, lẽ dĩ nhiên Y không sao tránh khỏi một sự thương tiếc ích kỷ trước sự tạm biệt nầy, mà Y bị bắt buộc phải chịu, nhưng Y biết rằng sự chết là một điều ích lợi lớn lao cho những ai được ra đi như thế, Y cũng hiểu rằng sự chia ly nầy chỉ tạm thời chớ không phải thiệt thọ. Y biết rằng những kẻ đã chết, vẫn ở gần Y, và khi đi ngủ, Y chỉ rời bỏ xác thân trong chốc lát và lại được gặp họ, vẫn tiếp xúc với nhau như xưa.

Y thấy rõ ràng rằng: Cõi đời vẫn duy nhất, có những Thiên Luật được áp dụng ở khắp mọi vùng của Cõi Đời lớn rộng nầy, dù những Luật đó hữu hình hay vô hình đối với con mắt Phàm Trần của chúng ta. Y không lo sợ hay ngạc nhiên khi phải đi từ Cảnh Giới nầy tới Cảnh Giới khác, không nghi ngờ về những sự mà Y sẽ thấy ở sau bức màn, tức là bên kia Cửa Tử.

Toàn thể Cõi thế-giới vô hình đã được mô tả cho Y một cách rõ ràng và đầy đủ chi tiết bởi những người nghiên-cứu Thông-Thiên-Học đến nỗi Y có thể hiểu biết thế-giới đó cũng như thế giới Hồng Trần, và Y có thể từ Cõi nầy qua Cõi kia không ngần ngại khi mà cái chết đến, vừa đúng vào lúc thuận lợi nhất cho sự phát triển của Y. Muốn biết những chi tiết đầy đủ hơn về những mức khác nhau của đời sống cao cả ấy, chúng ta có thể xem những sách dành riêng cho vấn đề nầy. Ở đây, chỉ cần nói rằng những điều kiện trong đó con người bước từ Cõi nầy sang Cõi khác chính là những điều tự Y làm ra. Những tư-tưởng và dục-vọng mà Y đã nuôi trong khi sống ở Hồng Trần là những Sinh Vật hoạt-động rất rõ ràng; chúng vây quanh Y và tác-động vào người Y cho tới khi nào tan rã hết cái năng-lực mà y đã trút cho chúng. Khi những tư-tưởng và dục-vọng của Y rất mạnh mẽ và cứ ở mãi nơi sự ác, thì thật vậy, những Sinh Vật mà Y đã tạo ra có thể là những người bạn đồng hành ghê gớm. Nhưng may thay, ở Cõi Trung-giới, những người như vậy rất ít. Điều rủi nhất mà con người có thể tạo cho mình sau khi chết là một đời sống buồn tẻ vô cùng, không có chút nào hứng thú thiệt thọ; đó là kết quả tự nhiên của những năm sống phí phạm ở Cõi Trần, chỉ toàn đi nói chuyện nhảm nhí, ngồi lê đôi mách, toàn sống tầm thường và dung dưỡng thân mình quá nhiều.

Kèm thêm sự tẻ buồn thụ-động nầy, thỉnh thoảng có những đau khổ thật sự. Một người khi sống ở Hồng-Trần đã để cho những dục-vọng vật-chất mãnh-liệt chế ngự, trở thành nô-lệ của những tật xấu như keo kiết, dâm dục, nghiện rượu chẳng hạn, thì khi chết Y sẽ đau khổ nhiều để gột rửa Linh-Hồn. Vì khi đã mất Xác-Thân, Y vẫn chưa mất dục-vọng và khuynh-hướng xấu xa mà xưa kia Y đã vun trồng kỹ lưỡng. Những dục-vọng nầy vẫn còn nồng nhiệt hơn bao giờ hết, vẫn còn linh-động vì không bị Vật-Chất nặng nề kềm giữ. Nhưng con người đã mất Xác-Thân, nghĩa là đã mất khả năng làm thỏa mãn những khuynh-hướng và dục-vọng ấy, chúng liền giày vò, đày đọa Y, vì Y không sao làm thỏa mãn chúng được. Như vậy, người ta hiểu rằng đối với kẻ đáng thương nầy, đó là một cái Địa-Ngục thật sự, tuy đó, chỉ là một Địa-Ngục nhất thời, vì rằng những dục-vọng sẽ tàn đi, những năng-lực của chúng đã bị phung phí khi chúng làm cho đương sự đau khổ.

Ðó thật là một số kiếp kinh-khủng. Tuy vậy về vấn đề nầy có hai quan-niệm mà chúng ta phải nên ghi nhớ: Thoạt đầu là con người không những tự tay mình tạo nên sự đau khổ của mình, Y còn định đoạt cường-độ và thời gian của sự đau khổ ấy nữa. Trong đời sống Hồng-Trần, chính Y đã cho phép một dục-vọng nào đó có một sức mạnh như thế, và giờ đây Y phải đương đầu với dục-vọng ấy và chiến thắng nó. Nếu trong khi sống ở Cõi Trần, Y đã cố gắng ít nhiều đè nén nó xuống, trừ nó đi thì những cố gắng nầy sẽ giúp Y chiến thắng dục-vọng một cách dễ dàng hơn xưa kia. Chính Y đã tạo ra Con Quỷ thì bây giờ chính Y phải trừ Con Quỷ ấy đi, và chính Y đã cho Con Quỷ ấy cái sức mạnh mà nó có hiện giờ. Số mệnh Y là do Y làm thành. Chính tự Y đã tạo ra vậy.

Ở điểm thứ hai phải nói thêm rằng giờ đây sự đau khổ là phương-tiện độc nhất có thể cứu rỗi Y. Nếu Y có thể tránh sự đau khổ nầy, có thể đi qua Cõi Trung Giới mà không làm tàn dần đi những dục-vọng đê hèn, thì sự gì sẽ xảy ra? Khi nào Y trở lại Thế Gian đầu thai làm người, ở kiếp sau, Y sẽ bị những dục-vọng ấy chế ngự hoàn toàn như thuở xưa. Khi mới sanh ra, Y đã là một người dâm dục, nghiện rượu, một người keo kiệt, v.v…, và người ta không có thời giờ răn dạy Y phải chiến thắng những tật xấu ấy, chúng sẽ lớn lên tới mức không sao chịu nổi nữa. Y sẽ bị làm nô-lệ cho chúng, cả Linh Hồn lẫn Thể Xác, và như vậy, một kiếp sống ở Thế Gian bỗng trở thành vô ích, không còn có dịp may để tiến hóa thêm. Kẻ đáng thương bị dính mắc trong vòng lẩn quẩn không có lối thoát và sự tiến-hóa của Y sẽ bị chậm trễ vô cùng.

Nhưng Thiên Cơ không có những khuyết điểm ấy. Dục-vọng phải cháy tàn trong đời sống của Cõi Trung-Giới, và con người sẽ đầu thai trở lại Thế Gian với tấm lòng sạch hết dục vọng. Thật ra sự yếu đuối của Linh Hồn trước kia đã cho phép dục vọng thắng Y, sự yếu đuối ấy vẫn còn đó và thật ra Thể Vía được tạo ra để dùng về kiếp sau nầy vẫn có thể chịu ảnh hưởng và phô diễn những dục vọng giống như Thể Vía của kiếp trước; cho nên con người mới tái sinh rất dễ-dàng bắt đầu sống trụy lạc như kiếp trước. Nhưng Chơn Nhơn của Y, tức là Con Người Thiệt Thọ, đã học được bài học quá đỗi ghê-gớm, và chắc-chắn Chơn Nhơn sẽ hết sức cố gắng ngăn cấm dục-vọng xấu xa tái diễn lại, cái tội lỗi đã bị trừng phạt, không xô đẩy con người sa xuống hố sâu để cho những thú tính ấy ngự trị nữa. Dĩ nhiên, ở trong người Y hãy còn mầm mống của tật xấu, nhưng nếu Y xứng đáng được đầu thai làm con những bậc cha mẹ hiền lành và khôn ngoan, thì những người nầy sẽ giúp Y phát triển những mầm mống tốt trong bản tính Y và ngăn cản những mầm xấu. Không thể trổ bông kết trái được, những mầm dục-vọng sẽ teo héo đi, và Y chỉ cần một kiếp đầu thai nữa thôi, chúng sẽ không tái hiện nữa. Theo cách đó, do những sự tiến tới chậm-chạp, con người hủy bỏ được những khuynh-hướng xấu-xa nơi mình và phát triển được những tánh tốt để thế vào đó.

Ngoài ra con người khôn ngoan, hiền lành, hữu dụng và vị-tha hiểu được những điều-kiện sinh-tồn trong Cõi siêu-nhiên ấy, muốn cố gắng thích-hợp với hoàn cảnh và muốn làm đầy đủ những điều-kiện bắt buộc, Y sẽ thấy mở rộng trước mặt một trường hoạt động huy-hoàng để Y có cơ hội phát triển những khả năng học-hỏi và làm việc một cách hữu ích.

Y sẽ khám phá rằng, ngoài cái Xác Thân nặng nề đời sống có một cường độ và một sự huy-hoàng đến nỗi nếu đem so-sánh với những hạnh phúc Hồng Trần nồng nhiệt nhất, thật chẳng khác nào so sánh một buổi trưa hè chan chứa nắng với một đêm sáng trăng. Sự hiểu biết rõ ràng và lòng tin cậy bình tĩnh của Y làm cho những quyền lực của đời sống vô tận bủa rải xuống Y và những người chung quanh. Y sẽ thành một trung tâm tuyệt diệu của sự an lạc đối với hàng trăm người, những Huynh Đệ Y, và Y có thể trong vài năm sống ở Cõi Trung Giới làm những điều lành thiện nhiều hơn là Y sống một kiếp dài dưới Hồng Trần.

Đặc biệt nhất là Y biết rõ rằng Y còn có trước mặt một khoảng thời gian càng huy hoàng hơn nữa ở Bên Kia Cửa Tử. Cũng như Y đã lấy tư tưởng và dục-vọng của Y để tạo nên đời sống của mình ở Cõi Trung-Giới, Y cũng lấy những tư tưởng cao thượng nhất, những hoài vọng cao cả nhất của mình để tạo nên đời sống Cõi Thượng-Giới. Vì Thiên-Ðàng không phải là một giấc mơ, mà là một sự thật linh động và vinh quang. Ðó không phải là một thành phố xa xôi, ở trên những ngôi sao, với những cánh cửa bằng hạt ngọc quí giá và những lối đi lót bằng vàng, xứ sở của một thiểu số người được đặc ân. Không, Thiên-Ðàng chỉ là một trạng thái của tâm thức mà ai cũng đã trải qua, đang trải qua và sẽ trải qua trong thời-gian khoảng giữa của hai kiếp tái sinh. Dĩ nhiên Thiên-Ðàng nầy không phải là một chỗ ở vĩnh-viễn, không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ nhưng đó là một trạng thái vô-cùng hạnh-phúc kéo dài hàng mấy trăm năm. Như vậy chưa phải là hết, tuy rằng Thiên-Ðàng chứa đựng sự thật của mọi điều tốt đẹp và cao cả của tất cả các Tôn-Giáo đã hứa hẹn dưới danh từ đó, nhưng người ta không nên quan-niệm Thiên-Ðàng ở phương diện ấy mà thôi.

Ðó là một lãnh vực của Vũ-Trụ rất quan hệ đối với chúng ta. Ðó là một thế giới rộng lớn huy hoàng với một cách sống mãnh liệt. Chúng ta có thể sống ở đó ngay từ bây giờ cũng như ở thời gian khoảng giữa của hai kiếp tái sinh. Chỉ vì chúng ta chưa được tiến hóa và vì Chơn-Nhơn của ta bị mờ kém đi do Xác Thân nặng nề nên chúng ta mới không thể hiểu được hoàn toàn sự vinh quang của Thiên-Ðàng cao cả nhất, nó đang vây quanh ta ở tứ phía, bất cứ lúc nào; những Thần Lực ở Cảnh Giới cao siêu nầy luôn luôn bao phủ lên ta ở đủ mọi hướng, nếu ta hiểu được điều nầy thì ta nhận được những Thần Lực nầy. Tuy rất lạ lùng đối với người thường, điều nầy đối với Nhà Huyền-Bí-Học, chỉ là một sự rất thực tế mà thôi, và đối với ai chưa hiểu được cái sự thực căn bản nầy, thì chúng tôi đành phải nhắc lại lời dạy của Ðức Phật: “Các con đừng miệt mài cầu nguyện, rên la, các con hãy mở mắt và ngó coi, ánh sáng chói rạng chung quanh các con, và các con chỉ cần bỏ miếng vải bịt mắt đi và nhận xét. Sự thật kỳ diệu và tốt đẹp biết bao, vượt qua những gì mà con người đã mong ước hay van xin trong lời cầu nguyện. Và điều nầy tồn tại mãi mãi, mãi mãi.” (Linh-Hồn của một Dân Tộc, trang 163) (The Soul of the People, P.163).

Khi nào Thể Vía, dẫn thể của những tư tưởng và dục-vọng thấp kém bị hao mòn và tan rã dần rồi tiêu mất, thì con người thấy mình ở trong một Thể khác, làm bằng một chất nhẹ và mịn hơn mà ta gọi là Thể Trí. Bấy giờ con người trụ tâm thức của mình vào Thể đó, và Y có thể nhờ dẫn thể mới nầy, nhận được những làn rung động phát sinh từ thế giới bên ngoài tương xứng với tỷ trọng của Thể Trí, nghĩa là những làn rung động của Cõi Thượng-Giới. Khi thời gian đền tội của Y đã hết, và lúc bấy giờ chỉ còn lại những tư tưởng và những hoài vọng cao thượng nhất mà Y đã có khi còn sống ở Cõi Trần. Những sợi tơ Trời bao quanh Y và làm thành một lớp vỏ bọc mịn màng, do đó Y có thể cảm ứng với một vài lối rung động của Chất Thượng-Giới rất thanh cao và Y có thể lấy cái kho tàng bảo vật chung của Cõi Thiên-Ðàng. Và tôi có thể nói rằng Cảnh Thượng-Giới nầy là một phản ảnh của Cái Trí của Thượng-đế, đó là một kho tàng vô tận để cho những người ở Thiên-Ðàng có thể hưởng thụ tùy theo những hoài vọng và tư tưởng mà họ đã có, khi sống ở Trần-Gian và Trung-Giới. Chúng ta cần biết rõ sự thật và có quan niệm đúng đắn về Cõi Thiên Đàng.

Tất cả các Tôn-Giáo đều đã có nói đến hạnh phúc Thiên-Ðàng; nhưng ít có Tôn Giáo nào đã bày tỏ một cách minh-bạch cái tư-tưởng chánh đại có thể giảng giải một cách hữu-lý bằng cách nào tất cả mọi người không phân biệt là ai cũng có thể được sung-sướng ở Thiên-Ðàng. Tuy vậy, điểm chính của vấn đề là mỗi người tự tạo cho mình một Thiên-Ðàng riêng biệt bằng cách lựa chọn một cách huy-hoàng không thể tả được tư tưởng của Thượng-Ðế, Luật Trời dạy rằng: Con người gặt hái được những điều mà xưa nay Y ham muốn nhiều nhất. Theo cách đó mỗi người có thể ấn định cho mình, do những nguyên nhân mà mình đã gieo ở Cõi Trần, thời hạn và tính cách của đời sống cao siêu của mình. Mỗi người chỉ có thể có một số lượng hạnh phúc mà Y xứng đáng được hưởng và những hạnh phúc Thiên-Ðàng của Y có tính cách thích hợp với bản chất của Y. Thiên-Ðàng là một thế-giới trong đó mỗi người (vì lý do Y được thức tỉnh) được hưởng cái hạnh phúc Tinh Thần lớn nhất mà Y có thể hưởng được. Ðó là một thế-giới có thể làm thỏa mãn mọi hoài vọng của con người, không có giới hạn, hay ít nhất là tuỳ theo Tâm Thức cá nhân tương xứng với những hoài vọng đó mà thôi.

Quý bạn có thể đọc thêm những chi tiết rõ hơn về đời sống ở Cõi Trung-Giới trong quyển “Trung Giới” (The Astral Plane) và đời sống ở Cõi Thượng-Giới được mô tả trong quyển “Thượng-Giới” (The Devachanic Plane). Người ta cũng tìm được những điều chỉ dẫn ở những quyển sách sau đây:

◦ “Sự chết và bên kia Cửa Tử ” (Death and After).

◦Và Bên kia Cửa Tử (The Other Side of Death).

CHƯƠNG 8
DĨ-VÃNG VÀ TƯƠNG-LAI CON NGƯỜI

Khi người ta đã hiểu rằng chỉ do sự trải qua nhiều kiếp sống khác nhau nên con người đi đến được cái mực tiến hóa hiện giờ, đây là một câu hỏi tự nhiên phát sinh trong trí: Ta có thể biết rõ mọi điều về dĩ-vãng nầy cho tới mức nào? Vấn đề nầy vô cùng lý thú. May thay, chúng ta có thể biết rõ về điểm nầy một cách chắc chắn, không những theo giáo lý cổ-truyền, mà còn do một cách khác vững bền hơn nữa. Ở đây, tôi không đủ chỗ để nói dài dòng về Khoa Tinh-Thần Trắc-Nghiệm (Psychometry) kỳ diệu. Tôi chỉ đơn giản nói rằng người ta có nhiều bằng cớ tỏ rằng không có một sự việc nhỏ bé nào xảy ra mà không được tự động ghi vào Ký-Ức của Vũ-Trụ một cách không sao xóa bỏ được. Và cũng chính do cái Ký-Ức của Vũ-Trụ ấy, người ta có thể tìm lại một cách rất đúng sự diễn tả chắc-chắn, hoàn-toàn không sai lầm bất cứ một cảnh tượng nào, bất cứ một sự gì đã xảy ra, từ khi có Vũ-Trụ đến bây giờ. Những ai cho rằng đây là những đề tài mới lạ và đòi hỏi những bằng cớ thì có thể đọc quyển “Tinh-Thần Trắc-Nghiệm” (Psychometry) của Bác-Sĩ Buchanan hay “Linh Hồn của Sự Vật” (Soul of Things) của Giáo Sư Denton; nhưng tất cả những Sinh-Viên Huyền-Bí-Học đều biết rằng con người có thể đọc được những nét ghi chú của dĩ-vãng; và trong nhóm Sinh-Viên nầy có nhiều người biết cách đọc như vậy.

Theo bản chất của nó, Ký-Ức của Vũ-Trụ chỉ là Trí Nhớ của Thượng-Đế mà thôi. Trí Nhớ nầy cao vượt hẳn tầm trí thức của chúng ta, nhưng Trí Nhớ Thiêng-Liêng cũng được phản chiếu một cách rất đúng ở những Cảnh Giới thấp; cho nên trí khôn con người khi được huấn luyện để làm việc ấy, có thể tìm thấy ở những Cảnh Giới đó cái dấu vết của tất cả những sự đã xảy ra và ảnh hưởng đến Cảnh Giới đó. Thí dụ: Tất cả những gì đã diễn ra trước một tấm gương đều phải chiếu ánh sáng lên trên mặt tấm gương đó, nhưng mắt Trần của chúng ta tưởng rằng những hình ảnh ấy không để lại dấu vết gì trên mặt gương phản chiếu. Tuy nhiên sự thật thì trái ngược hẳn, không khó khăn gì, chúng ta có thể tưởng tượng rằng những hình ảnh nầy có thể in lên tấm gương, cũng như những tiếng động có thể in lên dĩa thu thanh của một máy hát, và không có gì có thể ngăn cản ta tìm cách cấu tạo lại những hình ảnh bằng những dấu vết mà chúng ta đã để lại trên dĩa thu hình.

Khoa Tinh Thần Trắc Nghiệm cao siêu còn cho ta thấy rõ rằng không phải là có thể như vậy, mà chính sự thật là đúng như vậy, rằng không những chỉ một tấm gương mà còn bất cứ một đồ vật gì cũng giữ lại dấu vết của việc xảy ra trước mắt nó. Như vậy, chúng ta có sẵn sàng một phương-pháp rõ-ràng và đúng đắn để có thể coi lại từ đầu lịch sử của thế-giới nầy và của nòi giống của chúng ta, và chính do theo cách đó mà vô số những sự lý thú vô cùng có thể được nhận xét từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất, giống y như những cảnh tượng của dĩ-vãng được diễn lại cho chúng ta coi, bởi những diễn-viên xưa kia đã sống trong đó.[1]

Những sự tìm kiếm mà người ta làm về Thời Tiền Sử, theo phương-pháp nầy, khiến ta nhận xét được một tiến-triển dài dằng dặc của sự tiến-hóa, tuy chậm-chạp, dần-dà, mà không bao giờ ngừng. Sự phát triển của nhân loại bị chế định bởi hai Định-Luật: Định Luật thứ Nhứt là Định Luật Tiến-Hóa, nó trầm tĩnh thúc đẩy con người tiến lên phía trước và lên cao; Định Luật thứ Nhì là Định-Luật Công Bình Thiêng Liêng hay Luật Nhân Quả đảm nhận con người, với một sự đúng độ tuyệt-đối, cái Quả của những hành động của Y, và dạy Y dần-dần tuân theo một cách khôn ngoan và hoà hợp với Định Luật thứ Nhứt.

Sự tiến hóa dài dằng dặc này không phải chỉ lấy Địa-Cầu làm diễn trường mà thôi. Chúng ta đã bắt đầu tiến-hóa ở những Trái Cầu khác cùng một loại, nhưng đề tài nầy quá rộng lớn, không sao có thể bàn ở một quyển sách sơ-lược như quyển nầy. Ðó là chủ đề trọng yếu của tác phẩm vĩ-đại của Đức Bà Blavatsky: “Giáo-Lý Bí-Truyền” (The Secret Doctrine). Nhưng trước khi đọc tác phẩm nầy, những ai mới học Đạo nên đọc trước những Chương nói về đề tài ở những quyển:

- “Minh-Triết Cổ-Kính” (Ancient Wisdom) của Đức Bà A. Besant và

- “Sự phát-triển của Linh-Hồn” (Growth of the Soul) của Ông Sinnett.

Những quyển sách kể trên đây sẽ chỉ dẫn một cách rành-rẽ và chắc chắn không những về dĩ-vãng của con người mà còn về tương-lai của họ nữa; và mặc dù sự vinh-quang của tương-lai ấy không có lời nói nào tả nổi, người ta cũng có thể cho một đại ý về những nấc thang đầu dẫn tới cái mức cao-siêu đó. Tin rằng hiện ngay bây giờ, con người có Bản Thể giống hệt Thượng-Ðế và con người có thể phát triển tại bản thân những quyền lực của Ngài, đó là một ý tưởng chướng tai đối với một số đông người chơn chất, họ có thể cho ý tưởng nầy là xúc phạm đến Thượng-Ðế. Tại sao vậy? Thật là khó lòng mà tìm ra nguyên do, vì chính Ðức Jesus cũng đã nhắc nhở những người Do Thái vây quanh Ngài nguyên văn của Thánh Kinh của họ: Ta đã nói: “Các người là những Vị Thượng-Ðế “ và cái thuyết Thượng-Ðế hóa con người nầy đã thường được những Đức Cha bên Công Giáo bênh vực. Nhưng ở thời đại chúng ta, một phần lớn những Giáo Lý cao khiết nhất của thời xưa đã bị người đời hiểu sai và quên lảng; và hình như chỉ có những Sinh Viên Huyền-Bí-Học mới hiểu được hoàn toàn Chơn-Lý mà thôi.

Thỉnh-thoảng, chúng ta nghe nhiều người hỏi rằng nếu thuở ban sơ con người là Điểm Linh-Quang của Thượng-Ðế, tại sao con người lại cần phải trải qua những đại kiếp của sự tiến hóa chứa chất bao nỗi buồn phiền, đau khổ như vậy, chỉ với một mục-đích là trở lại thành Thượng-Ðế như thuở ban đầu? Những ai đã hỏi như vậy là tại vì họ chưa hiểu được Cơ Tiến-Hóa. Thoạt đầu cái Điểm Linh-Quang tự tách mình ra khỏi Thượng-Ðế chưa phải là một người, và cũng chưa thiệt thọ là một Điểm Ánh Sáng, bởi vì Nó chưa có một cá tính nào cả. Đầu tiên Nó chỉ giống như một Đám Mây Lớn đồng bản-chất với Thượng-Ðế, về sau nó phát triển thành vô số những tia lửa. Sự khác nhau giữa tình-trạng của Cái Đám Mây đồng bản-chất với Thượng-Ðế từ khi ra đi cho tới khi trở về cũng giống như sự khác nhau giữa một Đám Tinh-Vân đồ sộ chiếu sáng yếu ớt với cả Thái-Dương-Hệ mà Đám Tinh-Vân ấy có thể tạo ra sau nầy… Ðám Tinh-Vân (The Nebula) thì thật đẹp, tôi cũng công nhận thế, nhưng nó chỉ sáng lờ mờ, không có ranh giới nhất-định và không có ích lợi gì; khi nó tiến-hóa dần dần, nó cho ta những Mặt Trời bủa rải sinh lực, sức nóng và ánh sáng trên nhiều thế-giới và giúp đỡ những người ở các thế-giới đó có Sự Sống.

Chúng ta có thể so sánh một cách khác nữa: Thân thể con người gồm có vô số triệu tỷ những phần tử bé nhỏ mà mỗi lúc đa số bị liệng bỏ ra khỏi cơ thể. Chúng ta thử tỉ dụ rằng do một phương pháp tiến-hóa nào đó, mỗi phần tử nhỏ bé nầy theo thời gian sẽ trở thành một người. Như vậy chúng ta không nên nói rằng sự tiến-hóa nầy không ích lợi gì cho các phần tử, vì trước kia chúng cũng là con người. Vậy thì bản-chất Thượng-Ðế được phát ra, theo nguyên-tắc, trong trạng-thái một Luồng Sống sinh hoạt đơn giản, lẽ dĩ nhiên là thiêng liêng và nó sẽ trở lại dưới hình thức hàng triệu tỷ Chơn Tiên, mỗi Vị có quyền năng phát triển để thành một Vị Thái-Dương Thượng-Ðế sau nầy. Do đó, người ta thấy rằng chúng ta có quyền tuyên bố rằng: Tương lai con người là một tương lai vinh quang và huy hoàng vô biên. Và một điểm rất quan hệ cần phải nhớ là tương lai huy hoàng nầy dành cho tất cả chúng ta, không loại trừ một ai cả. Kẻ mà chúng ta gọi là người hiền lành, ăn ở theo ý Trời, hành động theo đúng Cơ Tiến-Hóa sẽ tiến tới mau chóng trên con đường dẫn tới cái đích vinh quang. Trái lại, những ai vì vô minh làm cản trở cái dòng Tiến-Hóa vĩ đại, bằng cách lì lợm, bướng bỉnh, thí dụ họ chỉ ham tìm những sự thỏa mãn ích kỷ, chớ không lo cho mọi người được hạnh phúc, thì những người đó chỉ có thể tiến rất chậm và không đều. Nhưng Thiên-Ý thì vô cùng mãnh liệt hơn những ý muốn của bất cứ một người nào, và Thiên-Cơ thì bao giờ cũng được thực hiện một cách hoàn toàn. Những ai mà không muốn học thuộc bài ngay hôm đầu tiên thì sau đó họ bắt buộc phải đến Trường để học mãi mãi cho tới khi thuộc bài. Lòng kiên nhẫn của Thượng-Ðế thật là vô biên, và chẳng sớm thì muộn mỗi người đều đi đến cái đích đã định sẵn cho Y. Đối với ai biết Thiên-Luật và Thiên-Ý thì không làm gì có sự sợ hãi hay hồ nghi. Sự an lạc tuyệt đối là phần thưởng riêng của Y vậy.

CHƯƠNG 9
NHÂN VÀ QUẢ

Ở những Chương trước, chúng ta luôn luôn kể đến Định-Luật Nhân-Quả, do đó mỗi người nhận được một cách tuyệt đối phần phước họa xứng đáng với Y, không có Định-Luật nầy, thì ta không có thể nào đi sâu vào Thiên-Cơ được. Vậy chúng ta cần phải hiểu nó một cách thật đúng-đắn, và muốn được như vậy, trước hết chúng ta cần vứt bỏ cái thành kiến của Giáo-Hội Cơ Đốc cho rằng có một sự thưởng phạt đi liền theo với mọi hành động của con người.

Những tư tưởng như thế thật là sai lầm, và hệ-thống tư-tưởng phát sinh ra những ý nghĩ ấy cần phải bỏ đi và sa thải triệt để nếu ta muốn thấu triệt những sự thật. Tư-tưởng thưởng phạt nầy tức khắc đi chung với tư-tưởng phải có một vị Thẩm Phán, một vị phân-phát sự thưởng và sự phạt, và một tư- tưởng khác nữa: Vị Thẩm Phán có thể dễ dàng rộng lượng ở một trường hợp nầy hơn là ở một trường hợp khác, vị đó có thể bị hoàn cảnh chi phối, có thể bị người ta van nài xin ân huệ, và như vậy sự áp dụng Luật Pháp công-bình có thể bị thay đổi hay bị ém nhẹm đi hoàn toàn. Các bạn hãy thử cầm trong tay một thanh sắt nung đỏ; ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, các bạn bị phỏng thật nặng. Tuy vậy, không bao giờ các bạn có tư tưởng cho rằng Thượng-Ðế đã phạt các bạn vì các bạn đã rờ mó tới thanh sắt. Các bạn nên hiểu rằng điều xảy ra cho bạn đó hợp với Luật Thiên-Nhiên; những người đã hiểu rõ nhiệt độ là gì, nhiệt độ tác động như thế nào, họ sẽ giải nghĩa rõ ràng cho các bạn hiểu tại sao các bạn bị phỏng.

Xin nhớ cho rằng điều dự tính của các bạn không có một ảnh hưởng gì đến kết quả thực tế của việc bạn làm. Dù các bạn cầm thanh sắt nung đỏ để làm một việc ác, hay trái lại để tránh cho ai một tai họa, các bạn cũng vẫn bị phỏng như thường. Ở phương-diện khác, lẽ dĩ-nhiên cao cả hơn, những kết quả sẽ khác hẳn. Ở trường hợp thứ hai, các bạn đã làm một việc cao thượng và các bạn sẽ được lương-tâm khen ngợi, còn ở trường hợp thứ nhứt các bạn chỉ cảm thấy sự hối hận mà thôi. Nhưng vết phỏng ở da thịt cũng vẫn là vết phỏng, không hơn không kém.

Muốn có một ý-kiến chân thật về cách tác động của Luật Nhân Quả chúng ta cần phải hiểu rằng nó phản ứng một cách máy móc như thế đó. Thí dụ chúng ta treo một vật nặng ở trần nhà bằng một sợi dây. Sau đó ta dùng tay đẩy khối nặng ra khỏi vị-trí của đường thẳng đứng. Những Định-Luật về Cơ Học (The Laws of Mechanics) dạy rằng: Sự phản ứng của khối nặng đẩy tay ta ra sẽ tương-xứng đúng mức với sức mạnh mà ta đã vận dụng, và sự phản ứng nầy sẽ xảy ra không liên quan gì tới những lý lẽ nó thúc đẩy ta làm vật nặng bị mất thăng bằng đi. Cũng như thế, một người phạm điều ác đã làm xáo trộn sự thăng bằng tuyệt đối của trào lưu Tiến Hóa vĩ đại, và trào lưu nầy phản ứng lại tương xứng với động lực đã làm mất sự thăng bằng tuyệt đối.

Do đó, không một phút nào chúng ta được phép tưởng rằng nguyên nhân thúc đẩy sự hành-động không có quan hệ gì. Trái lại, nguyên nhân nầy là một yếu tố quan trọng nhất, nó cho sự hành động một cá tánh đặc-biệt tuy nó không hề thay đổi kết quả của sự hành-động ở Cõi Trần. Thật vậy, chúng ta đừng quên rằng riêng cái ý định cũng là sức mạnh, sức mạnh nầy hoạt động trên Cõi Thượng-Giới nghĩa là nơi Vật Chất thật mịn-màng, tế-nhị, những làn rung-động nhanh đến nỗi một số lượng động lực ở Cảnh Giới đó có một hiệu-quả vô-cùng lớn lao hơn là ở những Cảnh Giới thấp. Vậy sự hoạt động ở Cõi Trần sẽ phát sinh ra Quả ở Cõi Trần, nhưng cùng một lúc, năng lực về Thể Trí của ý định cũng phát sinh ra Quả của nó ở Cõi Thượng-giới, Quả sau nầy là hoàn toàn không dính-líu với Quả đầu tiên và chắc-chắn là có một sự quan-trọng lớn lao hơn nhiều. Như thế, theo cách đó, việc tái lập sự thăng bằng tuyệt đối luôn luôn tác động một cách máy móc. Mặc dầu những nguyên nhân hành động của chúng ta phức-tạp đến đâu, mặc dầu kết quả của Cõi Trần có một tỉ lượng nào về điều lành và điều ác, sự thăng bằng sẽ lặp lại luôn luôn một cách đúng mức và một sự công bằng hoàn toàn ngự trị ở khắp mọi bậc.

Chúng ta không nên quên rằng, chính con người tạo ra tánh nết tương lai của Y, cũng như Y xây dựng hoàn cảnh sau nầy của Y vậy. Người ta có thể nói một cách rất tổng quát rằng những việc con người làm ở kiếp hiện tại tạo ra những điều kiện về cảnh ngộ của Y ở kiếp vị lai, còn những tư tưởng của Y trong một kiếp là những yếu tố chánh về sự phát triển tính tình của Y ở kiếp sau. Nghiên-cứu để xem xét tất cả các động-lực đó có tác động theo phương pháp nào là một điều vô cùng hấp dẫn, nhưng ở đây chúng ta không thể đi vào những chi tiết. Chi tiết nầy được trình bày một cách đầy đủ trong quyển sách của Đức Bà Annie Besant, “Nhân Quả” (Karma) và trong quyển “Minh Triết Cổ-Kính” (Acient Wisdom) cùng một Tác Giả, trong Chương cũng về vấn đề nầy, và quyển “Phật-Giáo Bí-Truyền” (Esoteric Buddhism) của Ông Sinnett.

Thật rõ-ràng: Những sự thật nầy rất phù hợp với một số lớn những nguyên tắc Luân-Lý của chúng ta. Vì tư tưởng có một mãnh lực lớn lao như thế, vì nó có thể phát sinh tại Cảnh Giới riêng biệt của nó những hiệu quả vô cùng trọng đại hơn bất cứ những hiệu quả nào sanh ra ở Cõi Trần, con người bị bắt buộc phải học làm chủ một mãnh lực mạnh như thế. Vì không những con người dùng mãnh lực nầy để xây dựng tính nết tương lai của mình, mà Y còn bắt buộc phải dùng nó luôn luôn, để ảnh hưởng đến Sinh Vật xung quanh Y.

Do tư tưởng, do cách Y sử-dụng tư tưởng ấy thế nào, sẽ có một trách nhiệm rất nghiêm trọng đè lên vai Y. Khi một người tầm thường cảm thấy trong lòng mình sanh ra một mối thù ghét hay ý muốn làm hại ai, Y có khuynh hướng tự nhiên là biểu lộ mối thù hằn hay ác ý ấy bằng một việc làm, hay ít nhất cũng bằng một lời nói. Tuy nhiên, những luật-lệ thông thường của một xã-hội văn-minh ngăn cấm Y không được để cảm tình bộc phát như vậy, và buộc Y rán hết sức đè nén mọi sự biểu lộ những xúc cảm của Y.

Và theo cách đó, nếu Y có thể theo những tập tục của xã-hội, Y tưởng rằng có đủ lý lẽ để tự khen mình và nghĩ rằng đã làm tròn bổn phận. Còn người Sinh Viên Huyền-Bí-Học biết mình còn phải đi xa hơn nữa trong sự tự chủ, và phải hoàn toàn ngự trị tư-tưởng tức giận dù nhỏ bé đến đâu, cũng như cũng phải tránh không cho nó biểu lộ ra ngoài. Vì người Sinh Viên Huyền Bí Học biết rằng những cảm tình của mình sẽ làm nổi dậy lên ở Cõi Trung-Giới những mãnh lực khủng-khiếp, nó sẽ làm hại kẻ bị giận cũng một cách chắc chắn như là người Sinh-Viên đó đánh kẻ thù Y ở Cõi Hồng-Trần, và nhiều khi hiệu lực phát sinh bởi những mãnh lực Trung-Giới lại vô cùng quan-trọng và bền lâu hơn. Thêm nữa, tư tưởng là những Vật có hình dạng, đó là sự thật, một sự thật hiển hiện. Dưới mắt của người có Thần-Nhãn, những tư tưởng nầy hiện ra có một hình thể rõ rệt, với màu sắc nhất định, màu sắc nầy thay đổi tùy theo cách rung động của những tư tưởng đó. Sự nghiên cứu về hình dáng và màu sắc của chúng là một việc rất lý thú. Trong số Tuần Báo Lucifer tháng 9 năm 1896 có bài mô tả chúng kèm theo hình ảnh vẽ theo lối thuốc màu hòa với nước.[1]

Những quan-niệm nầy mở rộng cho chúng ta thấy những chân trời ở mọi phía. Nếu những tư-tưởng chúng ta rất dễ-dàng làm hại, thì chúng ta cũng dễ dàng làm điều lành. Do chúng, ta có thể tạo nên những luồng tư tưởng để mang tới những người bạn đau yếu tấm lòng thiện cảm của ta hầu giúp đỡ họ, và như vậy, cả một thế giới mới mẻ mở rộng ra đáp lại ý muốn của ta muốn giúp đỡ họ. Có rất nhiều tấm lòng thấm nhuần sự nhớ ơn họ đã phàn nàn rằng không có của cải Hồng-Trần để đền đáp lại những ân-huệ đã nhận được; vậy đây là một cách để họ có thể đền ơn, ở trong một phạm vi không cần phải có của cải tiền bạc.

Người nào có khả năng suy tưởng thì Y có thể giúp đỡ các Huynh Đệ của mình, và một khi Y có năng lực giúp đỡ thì Y phải làm. Ở trường hợp nầy cũng như ở tất cả những trường hợp khác, hiểu biết thì làm được, và bất cứ ai hiểu Luật thì có thể sử dụng được Luật. Chúng ta biết một vài tư tưởng của ta có những hiệu quả gì đối với bản thân ta và đối với đồng loại. Vậy tự ý chúng ta, ta phải làm thế nào để có những hiệu quả đáng mong muốn. Theo như cách đó, mỗi người có thể sửa đổi tánh nết mình trong đời sống hiện tại mà còn có thể ấn định tính nết mình ở vị-lai. Vì tư-tưởng nào cũng là sự rung động trong Chất của Thể Trí, và cứ mỗi tư tưởng ấy lặp lại một cách kiên nhẫn sẽ khêu gợi được những làn rung động tương xứng, nhưng cao hơn trong Chất Khí của Thể Thượng-Trí (The Causal Body).

Như vậy, trong Chơn Nhơn một vài tính tốt được xây dựng dần dần. Nhưng đức tính nầy chắc chắn sẽ phải hiện ra và làm thành những tính tốt thiên phú khi Chơn Nhơn đầu thai xuống Trần kiếp sau. Theo cách đó, những đức tính và năng khiếu của Linh Hồn luôn luôn phát triển dần dần. Cũng theo cách ấy, con người sẽ dần dần cầm lấy được trong tay mình sự tiến-hóa của bản thân và bắt đầu hợp tác một cách khôn ngoan với Thiên-Cơ rộng lớn. Ai muốn biết thêm nhiều chi tiết về đề tài nầy xin đọc quyển sách thích hợp nhất của Đức Bà Besant: “Quyền Năng của Tư-Tưởng” (The Thought Power).

CHƯƠNG 10
NHỮNG ÍCH LỢI CỦA THÔNG-THIÊN-HỌC

Người độc giả cần mẫn, nên đã biết rõ ràng những quan niệm Thông-Thiên-Học thay đổi một cách sâu xa quan niệm về cuộc đời của những ai đã một lần tin chắc rằng những quan niệm đó là xác thực. Do những điều mà chúng tôi đã viết, độc giả cũng đã thấy rõ vừa ý nghĩa, vừa lý do của những sự thay đổi nầy.

Thông-Thiên-Học giảng-giải cho ta một cách hữu-lý ý nghĩa của cuộc sống nầy, trước kia đối với nhiều người trong chúng ta nó là một bài toán không sao giải đáp, một việc khó khăn không sao hiểu được. Thông-Thiên-Học cho chúng ta biết tại sao chúng ta ở trên Trái Ðất nầy, chúng ta phải làm gì ở nơi đây, và muốn làm như vậy phải dùng phương-pháp nào. Ðối với chúng ta, mặc dù đời sống có vẻ như không đáng sống, khi chúng ta chỉ nhìn thấy những bi thảm và những lợi lộc ít ỏi ở Cõi Hồng Trần, Thông-Thiên-Học dạy cho ta thấy sự ích lợi lớn lao của đời sống nếu chúng ta thu hoạch những vinh quang không sao tả xiết và có được những tiềm lực không biên giới của những Cảnh Giới cao siêu.

Dưới ánh sáng quang minh của Giáo-Lý Thông-Thiên-Học, chúng ta không những khám phá ra được phương-pháp để tự phát-triển, mà còn tìm thấy được cả cách để giúp cho đồng loại ta tiến-hóa nữa, cách để trở nên người hữu ích hơn, do những tư tưởng và việc làm của chúng ta thoạt đầu hữu ích với cái nhóm nhỏ bé, những Huynh-Đệ trực tiếp liên-quan đến đời ta hay là người mà ta yêu mến nhất, sau đó, dần dần tùy theo mức độ năng lực của ta được phát-triển, chúng ta trở thành hữu ích với tất cả Nhân Loại nữa. Những cảm tình, những tư-tưởng thường xuyên như vậy nâng chúng ta lên một trình độ cao hơn trước. Ở mức nầy, khi nhìn xuống, chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng xưa kia những nỗi bận rộn, những sự toan tính riêng tư của chúng ta nó chồng chất đầy dẫy ở dĩ-vãng ta thật là hẹp hòi và đáng khinh bỉ biết bao. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta bắt đầu quan-niệm sự vật không phải theo quan điểm ảnh hưởng của chúng đối với cá nhân nhỏ bé của ta, mà theo quan điểm rộng rãi hơn về ảnh-hưởng của chúng đối với toàn thể Nhân Loại.

Những nỗi lo âu phiền muộn đủ mọi loại mà chúng ta phải chịu chỉ có vẻ to lớn đối với chúng ta bởi vì những mối buồn nầy gần gũi với ta nhiều quá. Chúng che tối tất cả chân trời của ta như một cái dĩa để khít mắt ta che kín cả Mặt Trời. Ðiều nầy thường làm cho chúng ta quên rằng: “Căn bản của cuộc đời là một sự an lạc Thần Tiên.” Giáo-Lý Thông-Thiên-Học ổn định lại mọi sự, nó khiến chúng ta có thể vươn lên cao hơn những đám mây, rồi từ trên nhìn xuống, chúng ta có cơ hội thấy được trạng thái thiệt thọ của mọi sự mà ta đã nhìn với con mắt buồn nản khi ta ngó chúng ở một mức thấp kém và quá gần. Giáo-Lý nầy dạy chúng ta cởi bỏ cái Bản Ngã thấp hèn và cùng một lúc, liệng bỏ nó với cả đám ảo vọng và những thành kiến đi bên cạnh, giống như một lăng-kính sai lầm gạt ta mỗi khi ta nhìn Cõi Đời xuyên qua nó. Giáo-Lý Thông-Thiên-Học nâng ta lên tới một trình độ nơi đó chỉ có quan điểm Vô Ngã và Vị Tha, Định Luật Thiêng Liêng dạy cho chúng ta chỉ còn biết một cách cư xử mà thôi: Ta thực hành sự công bằng vì yêu mến sự công bằng; sau chót, niềm vui mừng lớn nhất của chúng ta ở nơi đó là ta sống trên Cõi Đời là vì mục đích giúp đỡ các Huynh-Đệ mà thôi. Ðó là một đời sống đầy những niềm vui nồng nàn được mở rộng ra truớc mắt ta. Khi con người càng tiến-hóa, cái năng lực thiện cảm và từ-bi của Y cũng tăng thêm lên, dần dần Y trở thành nhạy cảm hơn trước sự buồn rầu, trước những nỗi đau khổ, trước những lỗi lầm, chúng làm cho cuộc đời đen tối. Tuy nhiên, cũng trong lúc đó, Y càng ngày càng trông thấy rõ nguyên nhân của những nỗi đau khổ nầy, Y càng ngày càng hiểu rõ rằng cứ để mặc những sự đau đớn nầy, tất cả Nhân Loại đều làm việc để đi tới sự tốt lành rốt ráo của Vạn Vật. Và như vậy, một nguồn vui sâu xa tràn ngập trong lòng ta, đó là sự yên ổn tuyệt đối phát sinh nơi lòng chúng ta do sự tin chắc rằng tất cả mọi sự đều rất tốt lành. Và chúng ta cũng tận hưởng được niềm an lạc phơi phới trong lòng mà chúng ta đã đạt được khi ta chiêm-ngưỡng cái Thiên Cơ huy hoàng của Thượng-Ðế và chiêm-ngưỡng cái quang cảnh của sự thực hiện trầm-tĩnh đó, sự thực hiện tuần tự và không hề sai lầm của Thiên-Cơ mà Ngài Đã Định về Vũ-Trụ. Chúng ta biết rằng Thượng-Ðế muốn cho chúng ta được sung sướng, và do đó cái bổn phận đúng đắn nhất của ta là phải sung sướng, ta phải ban rải xung quanh ta, tới những Huynh-Đệ ta, những làn sóng hạnh-phúc, vì đúng như vậy, đó cũng là một cách trong nhiều cách mà Thượng-Ðế đã ban rải xuống cho ta để làm nhẹ bớt sự buồn khổ của Thế-Gian.

Trong đời sống thường ngày, những đau khổ của con người bị tăng lên gấp bội vì Y tưởng tượng rằng Y đã bị đau khổ một cách bất công. Ðã bao phen người ta nghe tiếng rên rỉ rằng: “Tại sao tôi bị mắc phải tất cả những sự không may nầy? Nầy đây, người láng giềng của tôi, Y có đức hạnh gì hơn tôi đâu. Thế mà Y không bị đau yếu, Y không mất bạn hữu, gia tài. Tại sao riêng tôi lại cực khổ thế nầy?”

Thông-Thiên-Học giúp đỡ những Sinh Viên Huyền Bí Học và cho những ai nghiên-cứu nó tránh khỏi một sự lầm lẫn như thế, vì Thông-Thiên-Học đã dạy họ tuyệt đối rõ ràng rằng: Không bao giờ một sự đau khổ oan uổng tự nhiên xảy đến với bất cứ người nào. Những nỗi đau đớn mà chúng ta phải chịu đựng, dù là những nỗi đau đớn thế nào, chỉ là những món nợ mà chúng ta đã vay và chẳng sớm thì muộn chúng ta sẽ phải trả. Trả càng sớm càng hay. Và như vậy không phải là hết đâu. Mỗi nỗi đau khổ đều đưa đến cho ta một dịp để ta tự phát-triển. Nếu chúng ta đủ sức chịu đựng một cách kiên-nhẫn, can đảm sự buồn phiền của ta, không để cho nó đánh ngã ta; nhưng trái lại, ta đối diện với sự đau khổ và rán lợi dụng được bài học hay nhất của sự thử thách nầy, thì khi đó ta làm tăng trưởng ở nơi ta những đức tính quý báu như sự can đảm, sự kiên-nhẫn, sự quả quyết, và như vậy chúng ta gặt hái được cái quả tốt lành ở ngay chính thửa ruộng xưa kia ta đã gieo rắc những lỗi lầm trong dĩ vãng.

Như chúng ta đã nói qua, những Sinh Viên Huyền Bí Học đã hoàn toàn xoá bỏ sạch tất cả những mối sợ hãi về sự chết nhờ sự học hỏi và thực hành Giáo-Lý Thông-Thiên-Học, vì Giáo-Lý nầy đã cắt nghĩa minh bạch sự chết là gì. Người Thông-Thiên-Học không còn than khóc về số phận những kẻ chết trước Y. Vì Y đã biết rằng những người nầy luôn luôn ở cạnh Y, và nếu Y để cho cõi lòng Y mặc sức đau khổ một cách ích kỷ thì Y chỉ là nguồn cội của sự buồn rầu và sự nản lòng cho kẻ chết mà thôi. Chúng ta có nên than khóc hay không? Những sự buồn phiền vô trật tự luôn luôn gây ra ảnh hưởng đau đớn đến những người tuy đã thác nhưng vẫn gần gũi Y hơn bao giờ hết và liên-lạc với Y bởi một tấm lòng thiện cảm nồng-nhiệt hơn bất cứ lúc nào.

Như vậy, có phải là Thông-Thiên-Học khuyến khích ta phải quên những người đã thác hay không? Không, không phải vậy. Trái lại Thông-Thiên-Học khuyên ta hãy nghĩ đến họ, nhiều chừng nào tốt chừng nấy, nhưng không bao giờ với cái ý muốn lôi kéo họ trở lại đời sống Hồng-Trần, không bao giờ với cái cảm tưởng là ta đã mất họ, nhưng luôn luôn với tư-tưởng rằng họ đã được hưởng một ân huệ lớn. Thông-Thiên-Học xác nhận rằng những tư-tưởng thương mến mạnh mẽ của những kẻ còn sống, là một phương-tiện có uy-lực vô cùng mạnh mẽ để giúp đỡ cho những người đã chết được tiến-hóa dễ dàng, và nếu chúng ta muốn nghĩ về họ một cách hữu lý, trúng đường, thì chúng ta có thể giúp đỡ họ một cách rất hữu-ích để họ tự phát-triển sau khi đã chết.

Sự khảo-cứu kỹ càng về đời sống của con người, từ kiếp đầu thai nầy cho đến kiếp đầu thai sau, chỉ dẫn rõ ràng rằng khoảng thời gian của một kiếp sống Hồng Trần thật là ngắn ngủi nếu ta so sánh với cả một chu-kỳ trọn vẹn (cycle). Chúng ta hãy thí dụ trường hợp của một người thuộc về Giống Dân da trắng, Y có một nền học vấn và giáo-dục cao cấp, khoảng thời gian của một đời Y (tôi muốn nói là một ngày trong kiếp sống thiệt thọ của Y) và độ chừng trung bình 1.500 năm. Trong khoảng 15 thế kỷ nầy, có lẽ chỉ 70 hay 80 năm Y sống ở Cõi Trần, 15 hay 20 năm ở Cõi Trung-Giới, thời gian còn lại Y sống ở Cõi Thượng-Giới, khoảng thời gian sau cùng nầy là khoảng quan-trọng nhất trong đời con người. Lẽ dĩ nhiên, những tỉ lượng nầy thay đổi rất nhiều tùy theo bản chất khác nhau của những hạng người; và có điều đặc biệt là khi nào chúng ta nhận xét về những Linh Hồn non trẻ hơn, đầu thai vào hoặc những Giống Dân thấp kém, hoặc những Giai Cấp thấp kém trong Giống Dân của chúng ta, thì chúng ta thấy rằng tỉ lượng nầy hoàn toàn thay đổi: Đời sống ở Trung-Giới trở thành lâu dài hơn và đời sống ở Thiên-Ðàng trở nên ngắn ngủi hơn nhiều. Ở trường hợp của một người thật là dã man, có thể nói rằng Y không có đời sống ở Thiên-Ðàng, vì Y chưa phát triển được một đức tính nào giúp Y có thể lên Cõi đó.

Sự hiểu biết những việc nầy khiến ta có một sự nhận định rõ ràng và chắc chắn về tương lai, nó làm cho ta được thư thái, an tâm khỏi do dự và lo nghĩ vẩn vơ, và người ta vẫn thường bị như vậy mỗi lần suy gẫm về những vấn đề ấy. Thí dụ như một người Thông-Thiên-Học không sao có thể lo sợ chút nào về sự cứu rỗi Linh Hồn Y, vì Y hiểu rõ rằng không có cái gì mà con người phải cứu rỗi, ngoại trừ trường hợp đó, chính là sự vô minh của Y. Và Y sẽ coi như một sự xúc phạm ghê gớm đến Thượng-Ðế nếu ta lo sợ rằng Thiên Ý của Ngài một ngày kia sẽ không được toàn thể các con Ngài thực hiện.

Với khả năng bẩm sinh người Thông-Thiên-Học không phải chỉ có một niềm hy vọng mơ hồ về sự vĩnh cửu, nhưng Y có một sự tin chắc tuyệt đối, vì Y biết rõ Thiên-Luật ngàn đời bất biến. Và Y không còn lo sợ tương lai, vì chính Y cũng biết rõ nó rồi nữa. Vậy sự lo nghĩ độc nhất của Y là lo sửa mình để trở thành kẻ xứng đáng cộng tác với công việc vĩ đại của sự tiến-hóa. Thật ra Y có thể bị ngăn cấm không được dự vào bất cứ một sự hợp tác quan trọng nào hiện giờ. Tuy vậy, chúng ta có thể tình nguyện làm những công việc nhỏ nhặt, ở gần mình, ở xung quanh mình, trong cái phạm vi bé nhỏ của mình, mặc dầu mình đang ở trình độ thấp kém đến đâu.

Mỗi người đều có cơ hội giúp đỡ, và do đó Y được phát-triển, vì tất cả mọi sự tiếp xúc, mọi sự giao thiệp đều là những dịp may để ta phụng sự và tiến-hóa. Khi ta tiếp xúc với ai, dầu là một đứa trẻ mới sanh trong gia-đình ta, với một người bạn đến nơi ta ở, với một người giúp việc ở nhà ta, đó là toàn những Linh Hồn mà ta có thể giúp đỡ. Những Linh Hồn nầy mang đến cho ta những dịp may bằng cách nầy hay cách khác. Chúng tôi ân cần khuyến cáo quý bạn một điều là: Đừng bao giờ ép buộc một ai phải miễn cưỡng tiếp nhận Chơn Lý; đừng làm mất sự tự do của bất cứ một ai. Có nhiều người quen thuộc của chúng ta, ngoan đạo nhưng vô minh và vụng về, họ luôn luôn tìm cách ghi khắc những tư-tưởng và tín-niệm Thông Thiên Học vào tâm-trí bất cứ ai tiếp-xúc với họ. Chắc chắn không phải vậy đâu. Tôi chỉ nói rằng: Chúng ta có bổn phận phải luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ tất cả những ai cần sự giúp đỡ.

Chúng ta phải luôn luôn chực hờ những cơ hội để giúp đỡ, hoặc về vật chất tùy theo khả năng của ta, hoặc chia sớt những điều mà ta hiểu biết nếu kẻ kia muốn được hưởng những lời khuyên răn hay những kiến-thức của ta. Có nhiều trường-hợp, chúng ta không sao có thể giúp đỡ đồng-loại bằng việc làm hay lời nói, nhưng không bao giờ lại không có một dịp để ta có thể cho ra một tư-tưởng thân thiện, và ai đã biết được Quyền Năng của Tư Tưởng rồi đều không bao giờ nghi ngờ cái kết-quả, mặc dù có khi kết-quả đó không hiện ra ngay ở Cõi Trần.

Người Sinh Viên Thông-Thiên-Học phải khác hẳn với những người thường bởi tánh luôn luôn vui vẻ không gì làm thay đổi được, bởi lòng can-đảm bất khuất không hề lay chuyển ở giữa mọi sự khó khăn, bởi tấm lòng thiện-cảm luôn luôn thức tỉnh và sẵn sàng giúp đỡ. Dĩ-nhiên, tánh vui vẻ của Y phải luôn luôn giúp đỡ Y quan-niệm đời sống một cách đúng đắn và Y hiểu rằng, trên đời nầy, mỗi người đều có nhiều việc phải làm và không ai được lãng phí thời giờ. Y sẽ cảm thấy rằng cần có một sự tự-chủ hoàn toàn đối với bản-thân và với các Thể của mình, vì chỉ do phương-pháp ấy người ta mới có thể luyện-tập để giúp đỡ các Huynh Đệ khi có dịp. Luôn luôn Y lựa chọn tư-tưởng cao-khiết nhất thay thế cho tư-tưởng thấp-hèn nhất, lựa chọn tư-tưởng cao-thượng nhất thay thế cho tư-tưởng tầm thường nhất. Nhìn thấy điều thiện ở tất cả mọi sự, Y sẽ hoàn toàn khoan dung. Y tự ý ưa thích những lời giải-nghĩa lạc quan hơn là những lời giải-nghĩa bi-quan. Luôn luôn Y nhìn thấy khía cạnh hy vọng của sự vật chớ không nhìn khía cạnh nghi kỵ, vì Y luôn luôn ghi nhớ rằng điều thiện là mầm mống, là bản-chất, là cứu cánh của chính Chơn-Lý, còn điều ác chỉ là một cái bóng tối nhất thời chẳng bao lâu sẽ bắt buộc phải tan đi, vì rằng sau cùng chỉ có điều thiện mới tồn tại được mà thôi.

Vậy, người Sinh Viên Thông-Thiên-Học sẽ tìm kiếm điều thiện ở khắp mọi nơi để phù trợ nó với sức yếu đuối của mình. Y sẽ rán gỡ rối mọi sự theo chiều hướng của Định-Luật Tiến-Hóa tác-động, để chính Y cũng có thể cộng-tác theo chiều hướng đó. Y gom hết năng-lực của mình, dù năng-lực ấy nhỏ nhoi đến đâu mặc dầu, để trợ lực với dòng chuyển lưu mãnh liệt của những Thần-Lực trong Vũ-Trụ. Như vậy, Y luôn luôn rán sức giúp đỡ Thiên Nhiên, không bao giờ chống chõi với Nó, trong phạm-vi hoạt-động khiêm nhượng của Y, người Thông-Thiên-Học sẽ thành một trong những quyền-lực tốt lành của Thiên Nhiên. Mặc dầu sự góp sức của Y nhỏ nhoi đến đâu, mặc dầu sự phù trợ yếu ớt của Y hãy còn xa xôi, Y vẫn là một kẻ cộng-tác với Thượng-Ðế, và đó là một danh dự to lớn nhất, một đặc ân cao cả nhất để ban thưởng con người.

HẾT

[1] Hume, “Essay on Immortality,” London, 1875.

[1] Max Muller, “Theosophy or Psychological Religion” page 22, 1895 edn.

[1] Huxley, “Evolution and Ethics,”page 61, 1985 edn.

[1] Hãy đọc quyển “Thần Nhãn” (Claivoyance), trang 138.

[1] Xin đọc quyển “Hình Tư Tưởng” (Thought Forms) do Đức Bà A. Besant và Đức Ông C.W. Leadbeater.